Theo gương Bác

Nhân cách và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân

- “Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”, Chủ tịch nước Tô Lâm viết sổ tang.

- “Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”, Chủ tịch nước Tô Lâm viết sổ tang.

Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản chân chính

Người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần mang căn cước gắn chip, hoặc ứng dụng VneID

Article thumbnail
Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ lòng vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc. Ảnh: P. Hải

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Trong Nhà Tang lễ Quốc gia, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ở trung tâm đại sảnh, phủ Quốc kỳ. 

Phía sau linh cữu có di ảnh cùng dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.

“Tổng Bí thư mất đi là một tổn thất to lớn không thể bù đắp được”

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang, điều hành Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Điểm lại tiểu sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lương Cường cho biết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.

Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. 

Tổng Bí thư đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 tuổi Đảng và nhiều huân huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

 Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: P.Hải

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn không thể bù đắp được đối với Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta và gia quyến đồng chí”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày 25 - 26/7.

Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 35 thành viên, do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban. 

Ban Tổ chức lễ tang có 27 thành viên, do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm Trưởng ban.

“Chúng tôi nguyện học tập, noi gương đồng chí”

Sau đó, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu, vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng”.

 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đ.X

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước sau khi thắp hương viếng Tổng Bí thư đã lần lượt đến chia buồn, động viên gia quyến Tổng Bí thư.

Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau đó đã viết sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư.

Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ lòng vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, Người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người bạn lớn của Nhân dân thế giới.

Theo Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân, có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

“Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của đồng chí. Chúng tôi nguyện học tập, noi gương đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hi sinh.

Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”, Chủ tịch nước Tô Lâm viết.

 Lễ treo cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: H.Ninh

Trước đó, 6h, tại Quảng trường Ba Đình, nghi thức treo cờ rủ đã diễn ra bắt đầu. Quốc kỳ được thắt lại bằng băng vải đen và treo ở độ cao 2/3 chiều cao của cột cờ. 

Cờ rủ Quốc tang là nghi thức treo cờ Tổ quốc ở vị trí thấp hơn so với vị trí bình thường để thể hiện sự tôn kính và thương tiếc đối những người có công lao to lớn với đất nước.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch TP Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Trong 2 ngày Quốc tang (25/7 và 26/7), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

Hương Giang/thanhtra.com.vn