Công tác nội chính

Những điều chờ tòa xác định trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết

Trong một tuần tòa nghị án, ông Trịnh Văn Quyết có được người nhà nộp thêm tiền khắc phục hậu quả? Số bị hại được tòa xác định là 30.000 người hay 133 như tính toán của luật sư?

Chiều nay, 5/8, sau hai tuần xét xử và nghị án, TAND Hà Nội sẽ tuyên án với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Trong phần tranh luận nội dung chủ yếu tập trung về vấn đề xác định số lượng bị hại và thiệt hại của vụ án.

Bao nhiêu bị hại?

Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 xác định: Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Trong cáo trạng, VKSND Tối cao ghi nhận có 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS của Faros trong lần bán ra ban đầu. Họ là những người "đã bỏ ra một khoản tiền thật để mua cổ phiếu ROS của Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán mà không biết cổ phiếu đã bị ông Quyết và đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối để nâng khống về giá trị". Do đó, cáo trạng xác định họ là bị hại của vụ án.

Song trong những ngày tranh tụng, luật sư Vũ Đặng Hải Yến, một trong bốn người bào chữa cho Trịnh Văn Quyết cho rằng thực tế bị hại chỉ là 133.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Ngọc Thành

Bị cáo Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Ngọc Thành

Ngoài việc nhiều bị hại trong danh sách bị trùng lặp, luật sư Yến dẫn chứng kết quả tra cứu ngẫu nhiên cho thấy nhiều trường hợp thuộc danh sách bị hại đã bán cổ phiếu ROS và lãi hàng trăm triệu đồng.

Luật sư qua đó cho rằng khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu "là rất lớn". Do sau khi ông Quyết bán cổ phiếu ROS ban đầu ra thị trường, giá "tăng liên tục trong một thời gian dài", từ tháng 7 đến 12/2021, từ ban đầu 2.000 đồng/cổ phiếu, lên 13.600 đồng/cổ phiếu.

Theo luật sư, những bị hại mua ROS ban đầu và bán trong giai đoạn tăng giá đều đã có lãi nên không thể coi là bị hại. Ngoài ra, trong hơn 30.000 người này, nhiều người chưa được tiếp cận với cơ quan tố tụng để nêu quan điểm và sẽ có rất nhiều người đã bán có lãi nên sẽ không có yêu cầu bồi thường.

Luật sư dẫn chứng, tiêu chí để xác định thiệt hại là giá trị mua cổ phiếu F0 ROS (cổ phiếu F0 là từ tài khoản của Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu) còn dư. Do đó, những nhà đầu tư đã mua phiếu F0 thì mới chỉ đáp ứng được tiêu chí đầu tiên. Còn nếu như các nhà đầu tư này đã bán hoặc không còn dư cổ phiếu F0 ROS trong tài khoản thì sẽ không đáp ứng được các tiêu chí tiếp theo của danh sách bị hại.

 

Nhóm luật sư bào chữa cho hai em gái của ông Quyết cũng cho rằng việc xác định bị hại và số tiền chiếm đoạt "cực kỳ quan trọng" bởi liên quan đến khung truy tố, mức án và số tiền thân chủ phải chịu.

Luật sư đề nghị HĐXX chỉ công nhận tư cách của 133 bị hại với tổng số tiền thiệt hại thực tế hơn 2,2 tỷ đồng, do đó "ông Quyết thực tế đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường".

Đến ngày 26/7, ông Quyết được VKS ghi nhận đã bồi thường hơn 237 tỷ đồng.

Đại diẹn VKSND Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Đại diện VKSND Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Đối đáp sau đó, VKS ghi nhận hơn 5.000 trường hợp bị trùng tên tuổi nhân thân, như kiến nghị của luật sư Yến, qua đó giảm con số bị hại xuống còn hơn 25.000 người. Song không ghi nhận quan điểm về con số 133 bị hại.

VKS dẫn chứng kết quả điều tra xác định trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS (giá trị 4.300 tỷ đồng) được niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ hơn 1.100 tỷ đồng là vốn góp thật; còn hơn 3.100 tỷ đồng là vốn khống.

"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ lượng tiền thật để mua hơn 391 triệu cổ phiếu giá trị khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng. Họ được xác định là bị hại là hoàn toàn có căn cứ", đại diện VKS nêu quan điểm và cho hay đến nay 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, số còn lại có quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường theo quy định.

Cũng nằm trong nội dung này, một số nhà đầu tư có mặt tại tòa cũng kiến nghị được thay đổi tư cách tố tụng. Họ thuộc hơn 63.000 người đã mua 5 mã cổ phiếu họ FLC (FLC, HAI, AMD, GAB, ART) bị thao túng, được tòa triệu tập trong tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan.

Phát biểu tại phiên xét xử, một số người xin giảm nhẹ cho ông Quyết để ông tiếp tục về gây dựng, kinh doanh và đưa lại 5 mã cổ phiếu lên sàn. Song những người còn lại đề nghị tòa xác định mình là bị hại, do dồn quá nhiều tiền mua cổ phiếu nhưng giờ "cho không ai lấy".

Ông Trịnh Văn Quyết có nộp thêm tiền khắc phục hậu quả?

Số lượng bị hại và thiệt hại của vụ án được HĐXX phán quyết chiều nay sẽ là một trong các yếu tố quyết định án tù của các bị cáo, trong đó chủ mưu được xác định là ông Quyết.

Ông Quyết đang bị VKS đề nghị 19-20 năm tù cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 12-20 năm hoặc tù chung thân; và 5-6 năm tù cho tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo điểm b khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 2-7 năm.

>>Mức án VKS đề nghị cho 50 bị cáo

Trong phần bào chữa, nhiều lần các luật sư của ông Quyết đưa ra so sánh với vụ án của cựu chủ tịch Tân Hoàng Minh, người bị truy tố cùng tội danh, song được tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù (đang kháng cáo xin giảm nhẹ).

Ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai được xét giảm nhẹ do đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục toàn bộ thiệt hại vụ án trước khi phiên tòa diễn ra, hơn 8.600 tỷ đồng, gấp đôi thiệt hại vụ án của ông Trịnh Văn Quyết.

Dựa trên phân tích "chỉ có 133 bị hại với tổng số tiền chỉ 2,2 tỷ đồng", luật sư của ông Quyết do đó cho rằng thân chủ cũng đã khắc phục hết hậu quả vụ án. Tính đến thời điểm này, luật sư cho rằng "tính chất nguy hiểm cho xã hội đã giảm rất nhiều", do đó đề nghị HĐXX giảm nhẹ hơn nữa.

Gần 100 luật sư đăng ký bào chữa cho 50 bị cáo, riêng ông Quyết có 4 người. Ảnh: Danh Lam

Gần 100 luật sư đăng ký bào chữa cho 50 bị cáo, riêng ông Quyết có 4 người. Ảnh: Danh Lam

Bộ luật Hình sự quy định 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" được xét là một trong số đó (theo điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự). Song luật chưa quy định cụ thể mức khắc phục hậu quả bao nhiêu % so với thiệt hại có thể sẽ được giảm án.

Luận tội hôm 26/7 và đối đáp hôm 29/7, cơ quan công tố ghi nhận "thái độ tích cực hợp tác và nguyện vọng khắc phục hậu quả" của ông Quyết, song thực tế cơ quan tố tụng mới chỉ có cơ sở xác định bị cáo khắc phục hơn 200 tỷ đồng, các bị cáo khác hơn 6 tỷ đồng.

"Tổng số tiền chỉ khoảng 5% tổng thiệt hại, không đáng kể so với thiệt hại đặc biệt lớn các bị cáo gây ra, hơn 4.300 tỷ đồng ", VKS đối đáp và cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Tự bào chữa, cựu chủ tịch FLC ước tính tài sản cá nhân gần 5.000 tỷ đồng, thừa khắc phục hậu quả vụ án. Song phần lớn các tài sản của ông Quyết, gồm hàng trăm triệu cổ phiếu, nhà đất... đều đang bị kê biên phong tỏa.

Trong phần bào chữa chiều 26/7, luật sư của ông Quyết cũng cho hay, anh rể của bị cáo này bày tỏ nguyện vọng nộp thêm 15 tỷ đồng vào số tiền khắc phục hậu quả. Song trong 3 ngày tranh tụng sau đó không có thêm thông tin cập nhật về vấn đề này.

Trong cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết, 49 tuổi, bị cáo buộc mua lại một công ty có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, đổi tên thành Faros, sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền để nâng khống vốn. Sau hai năm, 2014-2016, Faros có vốn 4.300 tỷ đồng nhưng hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".

Faros vượt qua 3 vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.620 tỷ đồng.

Với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC và 500 tài khoản chứng khoán đứng tên người quen để mua đi bán lại số lượng lớn cổ phiếu, tạo "cơn sốt" ảo, chi phối thị trường, thu lợi hơn 700 tỷ đồng.

Thanh Lam/vnexpress.net