Công tác nội chính

Shopee lọt tầm ngắm thanh tra năm 2025: Thu 18.475 tỷ đồng vẫn không đóng thuế TNDN, “tiểu thương” bị bắt vì trốn thuế

- Năm 2023, dù doanh thu cao kỷ lục, đạt 18.475 tỷ đồng nhưng Shopee vẫn chưa phải đóng 1 xu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nào. Trong khi đó, “tiểu thương” trên Shopee khiến dư luận xôn xao khi bị bắt vì trốn thuế.

Ảnh chụp màn hình website của Shopee.

Theo kế hoạch công tác thanh tra của UBND TP Hà Nội vừa ban hành, trong năm nay, Sở Công Thương sẽ tiến hành thanh tra 40 doanh nghiệp, trong đó 10 doanh nghiệp bị thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Công ty TNHH Shopee, đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Shopee tại Việt Nam là một trong những cái tên được chú ý nhất. Thời gian dự kiến triển khai là quý 2.

Trước đó, Shopee được nhắc tới nhiều khi một “tiểu thương” bị bắt vì trốn thuế 2,5 tỷ đồng. Cần phải nhấn mạnh, Shopee cũng nhận được sự quan tâm từ dư luận khi có doanh thu rất cao nhưng nhiều năm không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Tiểu thương” Shopee bị bắt vì trốn thuế

Ngày 1/11/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (38 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) về tội trốn thuế. Trước đó, Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trong đó Shopee để bán điện thoại, phụ kiện.

Sau khoảng 5 năm hoạt động, Đỗ Mạnh Cường đạt  doanh thu khoảng 160 tỷ đồng. Thế nhưng, Cường đã dùng nhiều "chiêu trò" để né tránh kê khai, nộp thuế theo quy định. Cường được xác định đã trốn nộp khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuế.

Đây không phải điều quá bất ngờ vì trước đó từ rất lâu, việc trốn thuế qua các kênh thương mại điện tử đã nhiều lần được ngành Thuế nhắc tới.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, từng cho biết, người bán hàng cũng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp. Đã có trường hợp, một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử năm gần nhất đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, lũy kế 3 năm, doanh thu lên tới… 40 tỷ đồng nhưng chưa kê khai, đăng ký thuế.

Lâu nay, ngành Thuế cũng thừa nhận thương mại điện tử là lĩnh vực thất thoát thuế khá lớn, cơ quan thuế chưa kiểm soát được hết hoạt động kinh doanh mua bán cũng như doanh thu thực tế của nhiều cá nhân, tổ chức.

Thu 18.475 tỷ đồng, vẫn không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong khi đã có “tiểu thương” hoạt động trên nền tảng Shopee nói riêng và thương mại điện tử nói chung bị bắt vì trốn thuế thì bản thân nghĩa vụ nộp thuế của Shopee cũng bị dư luận đặt ra nhiều câu hỏi vì đạt doanh thu cao ngất ngưởng nhưng lại không phải đóng thuế TNDN.

Cụ thể, trong năm 2023, Shopee ghi nhận doanh thu cao kỷ lục. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lên tới 18.475 tỷ đồng, tăng 7.526 tỷ đồng, tương đương 68,7% so với năm 2022.

Giá vốn hàng bán thấp, chỉ là 1.327 tỷ đồng nên Lợi nhuận gộp của Shopee lên tới 17.148 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chi phí bán hàng của công ty là con số khổng lồ lên đến 14.960 tỷ đồng nên tổng lợi trước thuế của Shopee chỉ đạt 1.442 tỷ đồng.

Theo lý thuyết, với thuế suất 20%, thuế TNDN mà đơn vị này có thể phải nộp là 288 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, Chi phí thuế thu nhập hiện hành trong năm 2023 của Shopee được xác định chỉ là 0 đồng, không thay đổi so với năm 2022. Thuế TNDN đã nộp trong 2 năm này cũng là 0 đồng.

Lãi trước thuế ngàn tỷ đồng nhưng Shopee không phải nộp thuế TNDN. Nguyên nhân là do công ty được phép chuyển các khoản lỗ tính thuế sang năm sau để bù trừ với lợi nhuận chịu thuế thu được trong vòng 5 năm liên tục kể từ sau năm phát sinh khoản lỗ đó.

Tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm, công ty có khoản lỗ lũy kế với số tiền là 2.837 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2022 còn lên đến 4.413 tỷ đồng.

“Nhức nhối” tình trạng bán sách giả

Công ty TNHH Shopee thành lập ngày 10/2/2015 tại tầng 4-5-6, tòa nhà Capital Place, số 29 đường Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội với ngành nghề kinh doanh chính là “Cổng thông tin. Chi tiết: Thiết lập mạng xã hội; sàn giao dịch thương mại điện tử (không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tiếp); doanh nghiệp chỉ được hoạt động với thời hạn 5 năm kể từ ngày được chấp thuận cho Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp”.

Tại ngày 31/12/2023, công ty có vốn điều lệ gần 5.267 tỷ đồng. Shopee International Private Limited là cổ đông duy nhất, nắm giữ 100% vốn Shopee. Trong nhiều năm qua, bằng nỗ lực của mình, Shopee đã vượt xa nhiều đối thủ trong ngành thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo…

Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối chưa có lời giải của Shopee chính là tình trạng hàng nhái được chào bán công khai trên nền tảng thương mại điện tử này. Rất dễ để tìm những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu như đồng hồ Rolex, túi Chanel có giá hàng tram triệu đồng nhưng được bán với giá chỉ vài trăm tới vài triệu đồng trên Shopee.

Liên quan đến việc này, mới đây, thông tin từ Công ty TNHH Văn hóa - Sáng tạo Trí Việt (First News) cho biết, đang lập vi bằng và khẳng định chuẩn bị khởi kiện sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam vì bán sách giả.

Thanhtra.com.vn