Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt"

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Article thumbnail

Theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Ảnh: PV

Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp

Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP Hồ Chí Minh, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý ngay đối với các vụ việc tham nhũng, không để phát sinh thành vụ việc nghiêm trọng vốn rất mất thời gian xử lý và làm giảm lòng tin của người dân, cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, hiệu quả…

“Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả”, Tổng TTCP nhấn mạnh.

Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Công tác PCTN, tiêu cực ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN, tiêu cực; còn có nơi nể nang, né tránh.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng...

Có thể khẳng định nạn tham nhũng vặt đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Trước thực tế đó, sau khi Quốc hội thông qua Luật PCTN năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật, như: Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ảnh minh hoạ: Internet 

Các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá chỉ thị góp phần tích cực vào việc phòng, chống “tham nhũng vặt”.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, đồng thời chỉ đạo ngành Thanh tra tổ chức thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Người đứng đầu TTCP cho biết, hiện nay, TTCP và toàn ngành đang thực hiện thanh tra chuyên đề này và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi hoàn thành.

Thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để PCTN

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, TTCP cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ,  giải pháp cụ thể, như:

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN, Luật Thanh tra, các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó quan tâm thực hiện Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập"...

Chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về PCTN, tiêu cực. Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở...

Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc.

Triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực…

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện.

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng…

Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách PCTN, tiêu cực đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý Nhà nước về PCTN, tiêu cực…

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTG ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời và tăng cường biện pháp, chế tài để bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.

Phương Anh/thanhtra.com.vn