Công tác nội chính

Thủ tướng không quyết vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng

- Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ đề xuất các quy định mới bảo đảm nguyên tắc nguyên tắc Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Chiều 12/2, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi có 32 điều, giảm 18 điều so với luật hiện hành. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu những nội dung cơ bản của dự thảo luật, trong đó có những điểm mới về quyền hạn, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng, của bộ trưởng, trưởng ngành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: P.Thắng

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo luật quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực. 

Chính phủ phân cấp thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phạm vi quản lý, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Chính phủ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và chính quyền địa phương. 

Với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương, chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân quyền.

Dự thảo luật quy định rõ: Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Trên cơ sở nguyên tắc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng quy định theo các nhóm: nội dung trình Quốc hội; nội dung trình ủy ban Thường vụ Quốc hội; nội dung trình Chủ tịch nước; nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

Dự thảo luật cũng bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng.

Theo đó, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. 

Với tư cách là thành viên Chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thủ tướng cũng thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi toàn diện của đề án luật, nguyên tắc phân định thẩm quyền rõ trách nhiệm của các cơ quan. Cùng đó, thống nhất với nguyên tắc đảm bảo Thủ tướng Chính phủ “không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách”.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với việc cần phân định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và tư cách người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. 

“Tuy nhiên, quy định nêu trên chưa thực sự rõ và có thể gây ra cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn để bảo đảm tính phù hợp, khả thi”, ông Tùng nói.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý những nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong đó, theo ông Tùng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và các nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

“Các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác hoặc những vấn đề cần phải linh hoạt để phù hợp với thực tiễn thì không nên quy định cứng trong 2 luật này mà để pháp luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật điều chỉnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có 7 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành).

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, dự luật này thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, dự thảo luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính.

Cụ thể là, phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa HĐND và UBND; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND.

thanhtra.com.vn