Nghiên cứu - Trao đổi
Tọa đàm khoa học quốc tế “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại”
Chiều 7-11, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Đài phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại”.
Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu Việt Nam và Trung Quốc. Đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng nhiều chuyên gia, học giả hai nước tham dự.
Buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào đúng dịp Kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917/7-11-2022), đặc biệt là sau những thành công tốt đẹp từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại tọa đàm, học giả hai nước đã khái quát những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới nói chung cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam nói riêng, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm xây dựng đảng vững mạnh, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, học giả hai nước cũng thảo luận một số nội dung liên quan Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan điểm và thành tựu cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 10 năm qua...
Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học quốc tế “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại”. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Tọa đàm là dịp hội tụ của các học giả Việt Nam và Trung Quốc cùng đóng góp và cộng hưởng những kết quả nghiên cứu trong việc vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, củng cố địa vị vững chắc của Đảng Cộng sản ở cả hai nước.
Nhấn mạnh vấn đề đảng phải coi trọng tự làm cách mạng chính mình, ngăn chặn những luồng tư tưởng và việc làm sai trái, đảm bảo cho đảng không thoái hóa biến chất, không đổi màu, GS Trình Ân Phú, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, đảng phải coi trọng trong tự làm cách mạng chính mình, trong đó là phải ngăn chặn những luồng tư tưởng sai trái đi ngược với chủ nghĩa Mác; ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân; ngăn chặn chủ nghĩa quan liêu rời xa quần chúng.
Nêu ra bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô, GS Trình Ân Phú tin tưởng rằng hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện tốt việc tự làm cách mạng chính mình, qua đó thúc đẩy cách mạng xã hội và xây dựng hiện đại hóa. Đánh giá cao bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, GS Trình Ân Phú cho rằng, bài viết đã thể hiện một cách đầy đủ lý luận sâu sắc về cách mạng chính mình và xây dựng hiện đại hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam với nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ảnh chụp màn hình tại điểm cầu phía Trung Quốc. |
Chia sẻ những đặc trưng và bản chất của hiện đại hóa mô hình Trung Quốc, GS Tân Hướng Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định: từ năm 2020 đến giữa thế kỷ này có thể phân thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2035, trên cơ sở xây dựng xã hội khá giả toàn diện, phấn đấu thêm 15 năm nữa, để cơ bản thực hiện hiện đại hóa, phấn đấu thêm 15 năm nữa, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Bản chất của mô hình hiện đại hóa Trung Quốc là, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực hiện phát triển chất lượng cao, phát triển dân chủ nhân dân cả quá trình, làm phong phú thế giới tinh thần nhân dân, thực hiện toàn thể nhân dân cùng giàu, thúc đẩy chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên, thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại, sáng tạo hình thái mới của nền văn minh nhân loại.
Cũng tại tọa đàm, học giả hai nước đã có những chia sẻ về kết quả hợp tác giữa hai đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt là những kết quả quan trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. GS, TS Phan Kim Nga, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: “Chuyến thăm đã thể hiện tính đặc thù và tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, mối quan hệ này đã vượt lên trên mối quan hệ song phương theo ý nghĩa thông thường, có ý nghĩa chiến lược quan trọng là cộng đồng cùng chung vận mệnh mang ý nghĩa chiến lược. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu được thành quả phong phú, định hướng và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ hai đảng, hai nước trong thời kỳ mới, tạo niềm tin vững chắc cho sự thúc đẩy to lớn về hợp tác hữu nghị giữa hai nước trên mọi lĩnh vực”.
PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu kết luận tọa đàm. |
Kết luận buổi tọa đàm, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sau thành công của Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mở ra chặng đường mới cho sự phát triển ở mỗi nước. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, đòi hỏi mỗi đảng phải luôn kiên trì và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác–Lênin, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình, làm cho giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác–Lênin ngày càng tỏa sáng, đem lại những thành tựu to lớn ở mỗi nước và có đóng góp tích cực trên phạm vi toàn cầu.
Thời gian qua học giả hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu xuất bản một số cuốn sách về phong trào cộng sản và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, như cuốn sách "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại" (NXB Lý luận Chính trị) do học giả hai nước Việt Nam và Trung Quốc phối hợp thực hiện. PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn, Chủ nhiệm khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (chủ biên cuốn sách) chia sẻ: “Cuốn sách đã tập trung làm rõ về toàn bộ quá trình xây dựng đi từ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đến chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, trong đó bao hàm những nội dung từ đường lối Trung Quốc đến mô hình Trung Quốc và từ đường lối Trung Quốc và mô hình Trung Quốc tiến tới "hành trình mới", nội dung về sự thúc đẩy "phát triển chất lượng cao" và thực hiện "hiện đại hóa mô hình Trung Quốc", với nền tảng là mục tiêu luôn lấy nhân dân làm trung tâm. Tác giả hai nước đã làm nổi bật sự cộng hưởng về thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc và những thành tựu của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn biến đổi phức tạp của tình hình hình thế giới hiện nay”.
Một số cuốn sách do học giả hai nước Việt Nam và Trung Quốc phối hợp thực hiện. |
Tin, ảnh: THANH HƯƠNG/qdnd.vn