Nghiên cứu - Trao đổi

Tranh luận "nóng" tình trạng cán bộ "sợ sai không dám làm"

- Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, ngày 31/5. Vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, cũng như bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm được các đại biểu quan tâm, tranh luận.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, ngày 31/5. Ảnh: P.Thắng

Cán bộ sợ vi phạm pháp luật, không dám làm gây “tắc nghẽn” công việc

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nói, “một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm” có thể chia làm 2 nhóm: Một là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm, vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Với nhóm thứ nhất, đại biểu đề nghị thay ngay những cán bộ như vậy bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.

Còn về lâu dài, “Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, theo ông Tuấn.

Với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, ông Tuấn thấy “chiếm số đông”. “Chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống”, đại biểu nhận xét.

 Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh). Ảnh: P.Thắng

Ông Tuấn phân tích có 2 nguyên nhân khiến những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật.

Đầu tiên là một số văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện.

Thứ hai là công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, hiệu quả, nhất là những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.

“Từ những vụ án này đã làm nhiều cán bộ lo sợ. Bởi lẽ, những cán bộ này đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngần ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự”, ông Tuấn lý giải.

Thấy làm sai quy định mà không sợ là “điếc không sợ súng”

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói, nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật như đại biểu Tuấn phân tích là “đúng nhưng không chỉ như vậy”.

Theo đại biểu, thực thi công vụ mà hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì phần đông cán bộ, công chức, viên chức sẽ nỗ lực làm tốt hơn, mà “chẳng có gì phải sợ”.

Thực tế, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm “không nhiều, thì ít” các quy định.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh). Ảnh: Đ.X 

“Những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là “điếc không sợ súng” hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”, đại biểu Hậu nhận định.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, “bảo vệ người dám nghĩ, dám làm” trở thành việc rất khó khăn, thậm chí bất khả thi. Bởi bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật.

Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết 28 của Hội nghị Trung ương 6 yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương tham mưu thể chế hóa việc này, song đến nay, sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo, Bộ Nội vụ vẫn vướng “rất nhiều quy định của pháp luật” nên đang tham mưu, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết thí điểm, sau đó Thủ tướng mới ban hành nghị định.

Từ thực tế đó, đại biểu đoàn Tây Ninh nhấn mạnh, cần phải làm sao để cán bộ các cấp không phải “dám nghĩ, dám làm” mà chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để “năng động, sáng tạo” thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất.

“Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn”, ông Trần Hữu Hậu nói, “cái đúng đi với cái đúng phải đem đến sự thông thoáng, giúp đất nước phát triển, không thể dẫn đến sự trì trệ, làm nghèo đất nước”.

Rà soát xem có bao nhiêu người đứng sang một bên không làm việc

Tiếp tục giơ biển tranh luận nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nói hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm có từ lâu rồi, nhưng dường như gần đây “nặng hơn, phức tạp hơn”.

 Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: P.Thắng

Nguyên nhân, theo ông Tám, do một bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ hạn chế, nắm bắt quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm nên né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Ông Tám đề nghị rà soát, xác định rõ tỷ lệ cán bộ này là bao nhiêu để có giải pháp xử lý. Cạnh đó, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

“Nguồn cảm hứng của sáng tạo phá rào, dám làm từ cởi trói của khoán sản phẩm nông nghiệp cuối những năm 70, hay những vượt rào dám nghĩ, dám làm từ cởi trói của những đêm trước đổi mới hiện vẫn còn. Trong điều kiện hiện nay, rất cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, ông Tô Văn Tám nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cũng bấm nút tranh luận. Theo ông Hạ, “cần bắt đúng bệnh” thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.

Dẫn câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, ông cho biết, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, Thủ tướng cũng đã phân cấp, phân quyền và ban hành các công điện chấn chỉnh nhưng “tại sao vẫn không được”.

“Vấn đề chính là trách nhiệm của người đứng đầu. Phải tổng kết xem xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người đứng sang một bên khi không làm được việc”, ông Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.

Đề nghị thanh tra toàn diện ngành bảo hiểm nhân thọ

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu những bất cập về thị trường bảo hiểm.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: P. Thắng

Theo bà, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dày cả trăm trang với nhiều điều khoản, mà sự thua thiệt chủ yếu nằm ở phía người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm. “Nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu 70% nội dung hợp đồng”, bà Thủy nói.

Trong khi đó, đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm - khâu mấu chốt dẫn tới những tranh chấp, kiện cáo vừa qua - không ít người tư vấn mập mờ, sai lệch sản phẩm để nhanh chóng “chốt đơn”, ký hợp đồng và hưởng hoa hồng.

“Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022, qua thanh tra, phát hiện 3.100 đại lý bảo hiểm có sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tuyên truyền sai về sản phẩm bảo hiểm”, theo bà Thủy.

Để làm lành mạnh thị trường bảo hiểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị “Bộ Tài chính thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra”. 

“Doanh nghiệp sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh”

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, nguyên nhân chính làm sụt giảm tăng trưởng những tháng đầu năm nay là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp cố “thoi thóp” để tồn tại. “Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm”, ông nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: P. Thắng 

Theo ông, những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, “ách tắc” trong đăng kiểm, lãi suất tiền cho vay ở mức cao, cũng như việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tăng trở lại là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà.

“Doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh”, ông Thắng nhấn mạnh và đề nghị rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, các quy định “cứng nhắc, siết chặt quá mức”; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra; khơi thông dòng vốn tín dụng; cải cách thủ tục, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp...

“Khi và chỉ khi thực sự quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển”, đại biểu nói thêm.

Hương Giang/thanhtra.com.vn