Nghiên cứu - Trao đổi

Vì sao Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái hứng chịu sạt lở, lũ quét?

10 ngày sau bão Yagi, 80% số người chết và mất tích trên cả nước thuộc ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái - cũng là những địa phương hứng chịu lũ quét và sạt lở nghiêm trọng nhất.

"Kể từ khi còn làm Thứ trưởng (năm 1989) đến nay, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tình trạng sạt lở, cướp đi nhiều sinh mạng đến vậy", GS TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói về hậu quả của cơn bão mạnh nhất 30 năm qua.

Sau khi càn quét Bắc Bộ hôm 7/9, Yagi tiến vào vùng núi Tây Bắc, gây mưa lớn. Suốt ba ngày sau bão, bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho thấy, khu vực Tây Bắc bao phủ bởi màu tím - cấp độ nguy hiểm cao nhất. Nhiều địa phương chủ động di dời dân, nhưng hậu quả cho thấy các giải pháp này vẫn chưa đủ.

Đến nay, toàn bộ 14 tỉnh miền núi phía Bắc đều xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trong đó 7 địa phương ghi nhận thiệt hại về người, theo thống kê của VnExpress.

Lũ quét ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) hôm 10/9 là vụ việc nghiêm trọng nhất - 52 người chết và 14 người mất tích. Cùng ngày, tại xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà, Lào Cai), hai vụ sạt lở liên tiếp: tại nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc khiến 5 người chết; và vụ sạt lở đất tại thôn Nậm Tông cướp đi sinh mạng 7 người, 11 người mất tích.

Hàng loạt vụ lũ quét và sạt lở khiến Lào Cai chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 172 người chết và mất tích, chiếm 49% tổng số người thiệt mạng trên cả nước. Tiếp theo là Cao Bằng với 58 người (16%) và Yên Bái với 54 người (15%), tính đến ngày 15/9.

 
Bản đồ lũ quét, sạt lở tại các tỉnh miền Bắc liên tục tăng cấp từ ngày 8 đến 10/9. Nguồn: NCHMF

Hơn 40 năm nghiên cứu địa chất, PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu, điểm bất thường năm nay là hiện tượng sạt lở, lũ quét không chỉ xảy ra ở vài địa phương như trước, mà lan rộng khắp 14 tỉnh từ Đông Bắc đến Tây Bắc, thậm chí xuống cả Nghệ An và Thanh Hóa.

Ông dẫn chứng, năm 2017 thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở tập trung ở Nậm Păm (Sơn La) và Yên Bái, các tỉnh khác ít bị ảnh hưởng. Hay năm 2023, sạt lở chỉ xảy ra ở Lâm Đồng, Đắk Nông, không diễn ra diện rộng và gây thiệt mạng nhiều như năm nay.

Ngay cả những địa phương vốn có nguy cơ thấp về sạt lở, cũng gặp phải thiên tai. PGS.TS Văn dẫn chứng về chuyến khảo sát tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng sau bão Yagi, một số vị trí địa chất bình thường vốn khá ổn định cũng bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ ăn sâu vào tim đường. Hay tại Hà Giang và Cao Bằng, trên đoạn đường dài 200 km từ Mèo Vạc đến Bảo Lâm, Bảo Lạc, có khoảng 200 điểm sạt lở, trung bình mỗi km một điểm.

Nguyên nhân khiến Lào Cai và Yên Bái - hai tỉnh vùng núi Tây Bắc - trở thành "điểm nóng" sạt lở, lũ quét là do hội tụ các yếu tố địa hình, địa chất, cộng với sự kích hoạt mạnh do mưa từ hoàn lưu bão Yagi, theo PGS.TS Trần Tân Văn.

Về địa hình, địa chất tự nhiên, khu vực Tây Bắc vốn nằm trên các đứt gãy lớn như đứt gãy sông Hồng, sông Chảy... Trong đó, đứt gãy sông Hồng là một trong những hệ thống lớn nhất, rộng 5-10 km và kéo dài hàng nghìn km, cắt qua Lào Cai, Yên Bái. Hệ thống này đã hình thành và hoạt động tích cực từ hàng chục triệu năm trước đến nay.

"Đứt gãy chằng chịt như các đường chỉ trên bàn tay, khiến nơi đây trở nên mong manh hơn trước các tai biến thiên nhiên như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, thậm chí cả động đất và dịch chuyển nền đất", ông Văn giải thích.

Hoạt động của các đứt gãy khiến nền đất bị nứt nẻ, vò nhàu, tạo điều kiện cho nước thấm sâu, đất đá bị phong hoá mạnh trở nên mềm, bở rất nhanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích có đá vôi ở Lào Cai - loại đá ít có khả năng gây trượt lở - thuộc nhóm thấp nhất miền núi phía Bắc. Địa hình của tỉnh đa phần là núi đất, ít rắn chắc và độ dốc lớn, gây nguy cơ trượt lở cao.

Ngoài Lào Cai, Yên Bái, các tỉnh lân cận như Sơn La, Lai Châu cũng chia sẻ đặc điểm địa hình, địa chất tương tự.

Trong khi đó, các tỉnh phía Đông Bắc như Cao Bằng, Hà Giang có địa hình thấp hơn và phân bố nhiều đá vôi hơn.

Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trong khoảng 2012-2020 cho thấy, vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái) với đặc điểm địa hình núi cao, chia cắt sâu, chiếm 61% tổng số điểm sạt lở toàn miền Bắc. Trong khi, khu vực phía Đông (Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang) chiếm 39%.

Dù nguy cơ thấp hơn, trong đợt thiên tai lần này, Cao Bằng vẫn chịu thiệt hại lớn thứ hai về người. Trong đó, riêng vụ sạt lở cuốn trôi xe khách tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, đã cướp đi sinh mạng của 30 người.

"Khoảng 20 năm trở lại đây, có lẽ Việt Nam nói chung và khu vực miền Bắc nói riêng chưa bao giờ trải qua một cơn bão, cũng như hoàn lưu sau bão mạnh, quy mô ảnh hưởng lớn đến vậy", ông Văn nhận định.

Theo đánh giá của chuyên gia, yếu tố chính kích hoạt trượt lở, lũ quét trên diện rộng là mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi.

TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, bên cạnh yếu tố địa chất, địa hình, những trận mưa sau bão đã kích hoạt các dạng thiên tai như trượt lở, lũ quét. Mặt khác, thời tiết chuyển từ hiện tượng El Nino sang La Nina khiến bão di chuyển trực tiếp từ Biển Đông vào miền Bắc Việt Nam gây mưa lớn kéo dài.

Ông phân tích, bão Yagi đổ bộ đúng thời điểm vùng này vừa trải qua nhiều ngày mưa lớn. Không ít khu vực đã xảy ra lũ, lụt, làm cho phần đất đá trên các sườn dốc đạt đến trạng thái bão hòa, gây trượt lở đất đá. Nhiều nơi vốn đã "ngậm no nước", lại tiếp tục hứng chịu thêm lượng mưa lớn sau bão, dẫn đến hàng loạt vụ sạt lở, lũ quét liên tiếp.

Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, trong 10 ngày trước bão Yagi, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng đều ghi nhận lượng mưa trên 100 mm. Đỉnh điểm tổng lượng mưa ở Yên Bái lên đến 270 mm mỗi ngày trong một tuần trước bão.

Hai ngày sau bão, lượng mưa trung bình ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 130 mm. Trong đó, Yên Bái, Lào Cai là điểm "rốn", ghi nhận lượng mưa tăng gần gấp đôi, gấp ba (trên 300 mm) trong 24 giờ, tương đương với cấp cảnh báo độ rủi ro thiên tai lũ quét cấp 2 và 3. Khu vực này tiếp tục duy trì lượng mưa trên 470 mm bốn ngày sau đó.

"Khi đất đã bão hòa, độ gắn kết rất kém, đất sẽ nhão thành bùn lỏng, dễ trượt xuống theo độ dốc, gây sạt lở và lũ quét", ông Sơn giải thích.

Nếu khối trượt xảy ra tại sông suối sẽ làm lấp dòng, tạo đập chắn tự nhiên kết cấu yếu, tích "túi nước". Khi "túi nước" này vượt ngưỡng chịu đựng và vỡ ra sẽ trở thành dòng lũ, cuốn theo vật chất từ trượt lở và mọi thứ trên đường di chuyển, tạo thành lũ bùn đá.

Ông Sơn phân tích vụ lũ quét ở Làng Nủ (Lào Cai) giống với dạng này. Ngôi làng nằm ở thung lũng tương đối bằng phẳng, nguy cơ trượt lở thấp nhưng khu vực thượng nguồn suối ở núi Voi là nơi có nguy cơ cao, do đó khi trượt lở, lũ bùn đá đổ xuống, gây thiệt hại lớn cho hạ nguồn.

Ông Sơn nhận định, các trận lũ quét và lũ bùn đá ở khu vực miền núi và trung du Việt Nam thường liên quan chặt chẽ đến sạt lở đất đá. Hai hiện tượng này có thể là nguyên nhân hoặc hậu quả của nhau.

Mặc dù mưa là yếu tố kích hoạt chính trượt lở, TS Sơn cảnh báo, khi mưa dừng, độ ổn định của các sườn dốc còn rất thấp, có thể xảy ra trượt lở bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp, khi thời tiết nắng vài ngày nhưng vẫn sạt lở do nền đất chưa ổn định. Do đó, người dân cần đặc biệt chú ý, không chủ quan cả khi kết thúc đợt mưa.

Đến nay, 7 tỉnh miền núi phía Bắc ghi nhận ít nhất 200 người chết và 33 người mất tích do các vụ lũ quét, sạt lở, theo thống kê của VnExpress. Thiệt hại nhiều nhất tính từ năm 2006 đến nay.

GS TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, công tác chuẩn bị đầu mùa mưa vừa qua chưa đủ do bão Yagi đến mạnh và nhanh.

Ông đưa ra ví dụ, các dòng suối trên núi phải được kiểm tra, khơi thông ngay khi có tắc nghẽn. Tuy nhiên, vụ việc tại Làng Nủ cho thấy công tác này chưa được triển khai đầy đủ, dẫn đến tích luỹ một "túi nước" trên đỉnh núi Voi, gặp mưa trở thành lũ bùn đá cuốn trôi ngôi làng dưới thung lũng.

"Dường như chúng ta đặt trách nhiệm kiểm tra cho địa phương, nhưng thực tế về mặt kỹ thuật họ lại không đủ khả năng. Các địa phương chưa đủ kinh nghiệm thu thập thông tin, thấy chỗ vỡ thì đến chữa, dân gặp nạn thì cứu, còn chưa có quy trình bài bản", ông Hồng bình luận.

TS Trịnh Hải Sơn cho rằng, để cảnh báo chính xác sạt lở, lũ quét cần nhiều yếu tố. Trong đó, đầu vào quan trọng là lượng mưa trực tiếp tại khu vực đo đạc. Thông thường, mỗi trạm đo mưa sẽ sử dụng cho một vùng nhất định, nên khu vực càng xa trạm đo, độ chính xác càng giảm.

Chuyên gia này đề xuất thời gian tới cần đặt trọng tâm vào xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở, lũ quét chi tiết nhất có thể.

Giai đoạn 2012-2020, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng thực hiện đề án Chính phủ về điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở tại 37 tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ 1/50.000. Nhưng đề án mới thành lập Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại 25 tỉnh, và Bản đồ phân vùng nguy cơ ở 15 tỉnh. Theo đó, 64 trong 220 xã trọng điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất thuộc Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng... đã được điều tra chi tiết.

Tuy nhiên, đề án dừng ở bản đồ nguy cơ tỷ lệ 1/50.000, trong khi để xác định vị trí cụ thể cần có bản đồ tỷ lệ chi tiết 1/10.000 (hoặc lớn hơn), gần như chính xác trong 10 m, đồng thời phải được cập nhật thường xuyên.

"Nếu không chi tiết được đến từng điểm nhỏ thì không thể gọi là cảnh báo, mà chỉ dừng ở việc dự báo. Cần phải cảnh báo theo thời gian thực cho các điểm có nguy sạt lở đất cao", TS Trịnh Hải Sơn nói.


Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại một số tỉnh miền Bắc có nguy cơ cao. Đồ hoạ: Khánh Hoàng, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Tân Văn cho biết Việt Nam đang áp dụng mô hình dự báo, cảnh báo nguy cơ gồm ba bước: khảo sát, lập bản đồ hiện trạng; xây dựng bản đồ cảnh báo và tích hợp các yếu tố địa chất, địa hình, thảm thực vật; dự báo nguy cơ.

Ông nhấn mạnh rằng, bản đồ này càng chi tiết, khả năng cảnh báo càng cao. Tuy nhiên hiện nay, trong cảnh báo sạt lở, Việt Nam vẫn dùng bản đồ tỷ lệ 1/50.000 đã được lập từ hàng chục năm trước, trong khi thông thường những bản đồ này cần phải được cập nhật lại sau 3-5 năm.

Khi hoàn thành, bản đồ phải được chuyển giao cho địa phương để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ông ví dụ, chính quyền sở tại có thể khoanh vùng các khu vực ít nguy cơ xảy ra tai biến địa chất để xây dựng hạ tầng giao thông - xã hội, đồng thời lên phương án di dời, kịch bản "chạy" an toàn cho vùng nguy hiểm.

Ông Sơn dẫn chứng thêm, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, sau khi có bản đồ cảnh báo, sẽ xây dựng những trạm quan trắc cố định tại nơi được xác định có nguy cơ cao. Ngoài ra, họ có các trạm di động đặt trên ôtô, di chuyển đến nơi có dự báo mưa, bão lớn để thu thập dữ liệu, đưa ra cảnh báo và phương án xử lý phù hợp. Chính quyền cũng tổ chức diễn tập hàng năm để người dân làm quen, chủ động ứng phó khi có sự cố.

"Chạy sạt, lũ cũng giống chạy hoả hoạn, phải biết chỗ và cách an toàn, chứ không phải tán loạn, lung tung. Như thế, nguy cơ thiệt hại khả năng còn cao hơn", ông nói.


Hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, khiến 52 người chết, 14 người mất tích. Ảnh: Ngọc Thành

Nội dung: Phùng Tiên - Mây Trinh
Dữ liệu: Đăng Nguyên - Quang Tuệ
vnexpress.net