Công tác nội chính

Xây dựng Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh

- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc thành lập Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng với lực lượng Công an nhân dân nói chung và Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam nói riêng. Sự ra đời của Hội thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an nhân dân.

Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội thành lập Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam.

Cùng dự Đại hội có các đồng chí: Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và 219 đại biểu đại diện lực lượng Công an hưu trí và cựu Công an nhân dân trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Đại hội. 

Mốc son quan trọng

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sau khi thực hiện các bước chuẩn bị theo quy định, ngày 1/8/2023, Bộ Nội vụ đã ký Quyết định cho phép thành lập Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam. Hội ra đời là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển 78 năm của lực lượng Công an nhân dân; khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ Công an hưu trí cũng như Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển của lực lượng Công an nói riêng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Đại hội đã tiến hành các bước để thảo luận về dự thảo Điều lệ Hội và phương hướng hoạt động; bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam. Thượng tướng Lê Quý Vương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong khuôn khổ của pháp luật và không sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Hoạt động của Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy Công an các cấp; sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương và theo quy định thống nhất của Điều lệ Hội.

Theo báo cáo của Ban tổ chức Đại hội, cùng với quá trình phát triển của lực lượng Công an nhân dân suốt 78 năm qua, số lượng cựu Công an nhân dân ngày càng nhiều lên. Hiện nay, theo thống kê có khoảng hơn 110 nghìn cựu Công an, mỗi năm bình quân tăng lên gần 10 nghìn người. Nguyện vọng của phần lớn cựu Công an là mong muốn có một tổ chức Hội thống nhất toàn quốc để tập hợp, đoàn kết, động viên các thế hệ hội viên.

Trong khi chưa thành lập được Hội, để thống nhất về mô hình tổ chức và hoạt động của các Câu lạc bộ Công an hưu trí, đồng thời tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đối với hoạt động Công an hưu trí, ngày 27/11/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 15 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Công an các cấp đối với Câu lạc bộ Công an hưu trí; trong đó, thống nhất thành lập Câu lạc bộ Công an hưu trí từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

 

Đại hội thành lập Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị, tinh thần của các cựu Công an nhân dân Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đóng vai trò tham mưu nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Với bề dày truyền thống 78 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", "Còn Đảng, còn mình", "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu hy sinh, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, tô thắm thêm lá cờ truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam anh hùng. 

"Những chặng đường lịch sử chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân luôn gắn liền với những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, của cách mạng và sự phát triển bền vững của đất nước", Thủ tướng khẳng định. 

Thủ tướng nhấn mạnh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong lực lượng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã ra quân, trở về với quê hương hoặc chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan trên mọi lĩnh vực của đất nước. Cựu Công an nhân dân là những người đã trải qua chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành qua khói lửa của các cuộc kháng chiến, trải qua cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và ngày nay đang là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, trong các hoạt động của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại hội.

"Các đồng chí thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là tấm gương cao đẹp, tiêu biểu để cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo. Kinh nghiệm công tác của các đồng chí cựu Công an nhân dân vẫn có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật bảo vệ an ninh, trật tự xã hội của đất nước ta", Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của đội ngũ cựu Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đã có nhiều chủ trương huy động sức mạnh của đội ngũ cựu Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước và đặc biệt là chế độ, chính sách đối với cán bộ Công an hưu trí.

Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tạo điều kiện thành lập, kiện toàn Câu lạc bộ, Ban liên lạc Công an hưu trí các cấp từ Trung ương đến địa phương trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, với mô hình, tính chất hoạt động của Câu lạc bộ, Ban liên lạc Công an hưu trí các cấp thời gian qua chưa thu hút được hết sự tham gia sinh hoạt, còn khó khăn trong việc chăm lo, phát huy vai trò, tầm quan trọng và sự đóng góp của các cựu Công an nhân dân.

"Việc thành lập Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng với lực lượng Công an nhân dân nói chung và Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam nói riêng. Sự ra đời của Hội thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, đối với đội ngũ cựu Công an nhân dân nói riêng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cựu mà không cũ

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của các tầng lớp nhân dân, của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp; trong đó, đội ngũ cựu Công an nhân dân và Hội Cựu Công an nhân dân có vai trò, vị trí quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong xã hội.

Ban Chấp hành Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam ra mắt Đại hội.

Thủ tướng yêu cầu Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam khẩn trương kiện toàn tổ chức, xây dựng và hoàn thiện Quy chế hoạt động. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ, các tỉnh ủy, thành ủy để chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ chức hội ở địa phương; triển khai tốt công tác vận động, tập hợp hội viên, từng bước nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam trong xã hội, trong nhân dân.

Hội cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tích cực tham gia tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quán triệt, tổ chức cho cán bộ, hội viên tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhất là đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa Công an nhân dân” của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động; tích cực tham gia hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, gương mẫu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân...

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam phải thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; củng cố phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", góp phần giải quyết các xung đột xã hội, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Chấp hành Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Nhấn mạnh phương châm "Cựu mà không cũ, cựu mà không bảo thủ", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hội có các giải pháp tích cực, linh hoạt, sáng tạo để hoạt động của Hội thiết thực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên trong cuộc sống; xây dựng Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội cần chú trọng hướng về cơ sở, coi trọng chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hội tích cực tham gia xây dựng văn hóa mới, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, "Còn Đảng, còn mình", "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".../.

Mạnh Hùng/dangcongsan.vn