Công tác nội chính
“Một số bộ vì lợi ích cục bộ, ngại phân cấp xuống địa phương”
- “Một số bộ, ngành có tâm lý nể nang, né tránh, vì lợi ích cục bộ ngại phân cấp xuống địa phương nên chưa đảm bảo thực hiện được các đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.
Tại họp báo Chính phủ chiều 7/10, báo chí đặt câu hỏi về chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tránh bất cứ việc gì, dù nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương quyết.
Cơ chế phân cấp ủy quyền chưa rõ ràng
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được Chính phủ rất quan tâm.
Theo ông Long, nội dung phân cấp, phân quyền nằm ở nhiều văn bản luật, liên quan nhiều ngành, nên tiến độ rà soát để sửa đổi, bổ sung thể chế này thời gian qua có chậm.
“Một số bộ, ngành có tâm lý nể nang, né tránh, vì lợi ích cục bộ, ngại phân cấp xuống địa phương nên chưa đảm bảo thực hiện được các đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”, Thứ trưởng Trương Hải Long nhấn mạnh.
Do vậy, Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ một số việc, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc trong hệ thống pháp luật. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần “cấp nào làm, cấp đó chịu trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ông Long cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
"Trước đây nguyên tắc phân cấp, phân quyền ở 2 luật này còn quy định chưa quyết liệt. Cơ chế phân cấp ủy quyền chưa rõ ràng”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu.
Sẽ quy định rõ rõ Trung ương làm gì, địa phương làm gì
Vẫn theo ông Long, tại Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư nêu rõ tinh thần tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Cho nên, khi sửa Luật Tổ chức Chính phủ và và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu tinh thần trên để sửa các quy định chung, liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền.
Theo đó, các quy định sẽ tiến tới phân định thẩm quyền chứ không chỉ là phân cấp để rõ cái gì Trung ương làm, cái gì địa phương làm. Trên cơ sở đó, các luật chuyên ngành cũng sửa đổi bổ sung để làm rõ thẩm quyền.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói thêm, việc phân cấp, phân quyền hiện nay trong các luật chưa quy định cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng trong việc phân cấp, phân quyền thành một thiết chế riêng.
“Một số luật chuyên ngành lại đưa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ vào trong các vấn đề cụ thể. Do đó, có tình trạng việc nhỏ cũng đưa lên Thủ tướng”, ông Long nhấn mạnh, tới đây sửa Luật Tổ chức Chính phủ sẽ thiết kế riêng nội dung này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay Thủ tướng đã ban hành quyết định về phân cấp, phân quyền trong đó yêu cầu tất cả các bộ phải phân cấp khoảng 699 các thủ tục hành chính.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Thủ tướng phân cấp cho các bộ, các bộ phân cấp cho UBND cấp tỉnh. “Các thủ tục này nằm ở các văn bản luật, nghị định, thông tư và một số nằm ở các quy chuẩn”, ông Sơn nói. Sau hơn 2 năm triển khai quyết định trên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đến nay có khoảng 299/699 thủ tục hành chính được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt gần 44%. Số thủ tục hành chính cần phân cấp còn lại nằm ở 31 luật, nghị định. Ông Sơn cho biết, theo kế hoạch, thời gian còn lại của năm 2024 và năm 2025 sẽ tiếp tục thực hiện phân cấp. “Việc phân cấp thủ tục hành chính, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, hiện các bộ rất tích cực triển khai…”, ông Sơn nói. |