Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng
49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 2024): Những thành tựu lớn của đất nước
- 49 năm sau ngày giải phóng, dân tộc Việt Nam từ một nước nghèo, đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, từng bước giành những thắng lợi to lớn, trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
- 49 năm sau ngày giải phóng, dân tộc Việt Nam từ một nước nghèo, đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, từng bước giành những thắng lợi to lớn, trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Lịch sử đất nước mãi mãi ghi đậm khoảnh khắc lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Từ đây, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một dải.
Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung đã được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2/7/1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ đô là Hà Nội. Thành phố Sài Gòn đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Trải qua bao thăng trầm, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt và những hành động cụ thể, Việt Nam đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, tô thắm những trang sử hào hùng của dân tộc. Đặc biệt là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dẫu trong muôn vàn khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn chung sức, đồng lòng đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nền kinh tế có mức tăng trưởng cao
Trong những năm qua, nền kinh tế nước ta đã có bước tiến vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990-2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2006-2010 đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).
Sang đến giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của khu vực và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019.
Năm 2020 và 2021 đại dịch COVID-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế, nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương 2,9% (năm 2020) và 2,58% (năm 2021) - đây là một thành công lớn trong bối cảnh đại dịch.
Trong 2 năm gần đây, với nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, khôi phục kinh tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. GDP năm 2022 tăng đến 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tăng trưởng GDP năm 2023 cũng đạt trên 5%, quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2024 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Trang Observed Research Foundation cho biết, Việt Nam có thể sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2024 và 2025.
Xuất khẩu hàng hóa cũng là một điểm sáng ấn tượng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 327,5 tỷ USD. Đặc biệt, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Sự thay da, đổi thịt của đất nước còn được thể hiện rõ từ nông thôn đến thành thị, từ hạ tầng giao thông đến các loại hình dịch vụ giải trí… Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số thuê bao điện thoại di động và lượng người sử dụng internet cũng như các thiết bị thông minh như smatphone… Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Với sự ổn định về chính trị, sự tăng trưởng về kinh tế, sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đặc biệt, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục - khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
Chú trọng phát triển văn hóa-giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội
Đi đôi với phát triển kinh tế là phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng xây dựng văn hóa và phát triển con người toàn diện. Trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của con người Việt Nam…
Về giáo dục, trong những năm qua, hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Việt Nam đã giành được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Olympic và khoa học kỹ thuật quốc tế. Bên cạnh đó, mạng lưới các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng quy mô; các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được triển khai hiệu quả.
Về y tế, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả. Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện.
Việt Nam cũng là câu chuyện thành công của thế giới về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 90 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn 2,93%, giảm 1,1% so với cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022. Còn theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc, Chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao
Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các đối tác quan trọng, các nước láng giềng ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức Nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức Nhân dân và đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…
Trên bình diện đa phương, với thế và lực mới, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN…
Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt…
Nhìn lại chặng đường 49 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc cũng như những nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để có được những thành tựu như trên. Đây chính là những tiền đề quan trọng giúp chúng ta tiếp tục phấn đấu tạo nên những thành tựu to lớn, rực rỡ hơn nữa, đưa đất nước ngày càng phát triển và hội nhập.
Minh Duyên/thanhtra.com.vn