Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng

Phát huy hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”

- Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất các quan điểm, xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay.

Sáng 9/10, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Quan điểm, giải pháp thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

Các đồng chí: Đỗ Văn Phới, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.

Đồng chí Đỗ Văn Phới, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu Đề dẫn hội thảo.

Phát huy sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có được những thành tựu đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trải qua các nhiệm kỳ, trong văn kiện Đại hội, Đảng ta đều tập trung nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Trong bài phát biểu tại hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân; khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, những đánh giá qua hơn một nửa nhiệm kỳ, vấn đề nhìn nhận đúng đắn vị trí, vai trò của Nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị; đánh giá thực chất, hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn để Đảng xác định vị trí trung tâm, phát huy sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Theo Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới. Để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, Đảng phải tăng cường niềm tin của Nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng ý chí và khát vọng phát triển của Nhân dân; phát huy ý thức và trách nhiệm của Nhân dân; và làm cho toàn dân cảm nhận được hưởng thụ và giàu có từ quá trình phát triển. Tiếp tục đổi mới, vận dụng có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phức tạp, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

 Các đồng chí chủ trì, điều hành hội thảo.

Đồng chí Đỗ Văn Phới đề nghị, các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua; những vấn đề đặt ra cho công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Từ đó đề xuất các quan điểm, phương hướng, xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay.

Kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhất quán gắn triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong tình hình mới, đó là tập trung nghiên cứu sâu, kỹ, kết hợp đúc kết thực tiễn khi ban hành Nghị quyết, đồng thời đề ra các giải pháp để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân với Đảng…

Thành phố đã tăng cường phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua các kỳ họp, tiếp xúc, đối thoại, giám sát, khảo sát chất vấn, giải trình,… theo hướng thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, hợp pháp, chính đáng của các giai cấp, các tầng lớp Nhân dân; sự đồng thuận của Nhân dân gắn với phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, huy động được sự đóng góp to lớn của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ tri thức, kiều bào trong và ngoài nước… trong tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải chia sẻ tại hội thảo.

Đồng chí Cao Tiến Dũng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đã cụ thể hóa tư tưởng về công tác Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta vào việc vận động Nhân dân đồng thuận tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành, một trong những nội dung trọng tâm là thực hiện giải phóng mặt bằng và sắp xếp tái định cư cho người dân. Tỉnh ủy Đồng Nai xác định từ đầu đây là những công việc không đơn giản, bởi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành có diện tích thu hồi hơn 5.300 ha. Trong đó, diện tích đất để xây dựng sân bay khoảng 5.000 ha và đất xây dựng 2 khu tái định cư bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án hơn 360ha.

Để được nhân dân đồng thuận, Tỉnh ủy Đồng Nai đã công bố công khai các quyết định của Trung ương, của tỉnh; lãnh đạo tỉnh đã xuống khu phố trao đổi thông tin trực tiếp với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong dân, tỉnh Đồng Nai đã làm bộ câu hỏi đưa xuống từng hộ dân, sau đó giao các cơ quan, sở, ngành liên quan trả lời từng nội dung và tập hợp lại thành cuốn sách và gửi lại Nhân dân, để người dân biết với nội dung mình quan tâm sẽ được giải quyết như thế nào. Nhờ vậy, tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, việc đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 1 của sân bay quốc tế Long Thành đúng thời hạn theo yêu cầu.

Chia sẻ về những kết quả của quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Lâm Minh Đằng nhấn mạnh: Trà Vinh đã thực hiện chuyển đổi phương pháp, cách thức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững từ “cho không” sang “hỗ trợ” có điều kiện bằng nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò “chủ thể”, vị trí “trung tâm” của người dân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực tế giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chứng minh giải pháp này hoàn toàn phù hợp, đúng đắn vì đã huy động nhiều nguồn lực từ Nhà nước và Nhân dân, qua đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo báo cáo đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng hộ dân cư toàn tỉnh (giảm 2,37% so với năm 2021), hộ cận nghèo còn 2,35% (giảm 3,65% so với năm 2021), trong đó hộ nghèo là người dân tộc Khmer còn 1.800 hộ, chiếm 2,03% so với tổng số hộ dân tộc Khmer (giảm 5,16% so với năm 2021), hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer chiếm 3,25%/hộ Khmer (giảm 6,73% so với năm 2021).

 Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Lâm Minh Đằng chia sẻ về công tác dân vận tại tỉnh Trà Vinh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh nhấn mạnh, đạt được thành tựu đó là do từ chỉ đạo đến hành động của tỉnh đã phát huy vai trò “chủ thể”, vị trí “trung tâm” của người dân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với nhiều chương trình khác của Trung ương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 “Một trong những bài học kinh nghiệm được tỉnh rút ra đó chính là công tác dân vận trong giảm nghèo bền vững phải hướng về cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người dân để tập trung giải quyết những vướng mắc, phát sinh, bức xúc trong nhân dân; đồng thời làm tốt công tác dân vận chính quyền, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác dân vận. Sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của người đứng đầu là nhân tố quyết định quan trọng nhất cho việc triển khai thành công của Chương trình giảm nghèo bền vững”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho hay./.

 
Hoàng Mẫn