Công tác nội chính
Chính phủ giảm 9 đầu mối, tổ chức các bộ đa ngành, đa lĩnh vực
Dự kiến sau khi tinh gọn, Chính phủ sẽ giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc.
Ngày 4/12, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện nghị quyết số 18, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc.
Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ như sau: Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.
Hợp nhất Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Việc hợp nhất hai bộ này sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Hợp nhất Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin.
Hợp nhất Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi Ban này kết thúc hoạt động); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi hai đơn vị này kết thúc hoạt động.
Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện việc sắp xếp đầu mối tổ chức bên trong theo quyết định của Bộ Chính trị. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển về Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ này.
"Các bộ, cơ quan còn lại thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Theo bà, Bộ Nội vụ đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ từ Bộ Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Phong
Chính phủ cũng đưa ra phương án sắp xếp đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác, trong đó kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; sắp xếp hai Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM.
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa 15 và khóa 16 (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan).
"Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay", bà Trà cho hay.
Giảm 15-20% đầu mối tổ chức bên trong
Nếu thực hiện theo phương án này, tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các bộ.
Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, bà cho rằng cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động, giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý và bảo đảm quyền lợi cho họ.
Ngoài ra, để tránh tình trạng sáp nhập cơ học, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ gắn với giảm biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ban cán sự đảng Chính phủ kết thúc hoạt động
Với các cấp ủy, tổ chức đảng, Chính phủ đưa ra phương án kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ, tháng 11/2024. Ảnh: Nhật Bắc
Đảng ủy Chính phủ, gồm ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy. Ban thường vụ đảng ủy gồm Thủ tướng làm Bí thư, các Phó thủ tướng, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí một Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng Chính phủ hiện nay.
Cùng đó, các ban cán sự đảng sẽ kết thúc hoạt động, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ gồm Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và một Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy, quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hiện nay.
Duy trì các báo tự chủ chi thường xuyên trở lên thuộc một Bộ
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết phương án sắp xếp các cơ quan báo chí được Chính phủ đưa ra theo đúng định hướng của Trung ương. Cụ thể, kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam.
Chính phủ giao Đài Truyền hình Việt Nam chủ động xây dựng Đề án tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu lại Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ động xây dựng phương án, thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ trưởng Nội vụ cho hay chỉ duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước (gồm: Viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức); đồng thời sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức.
Đối với báo, tạp chí, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện phương án sắp xếp lại, bảo đảm mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ có một cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và một tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).
Trong quá trình sắp xếp các Bộ, trường hợp có hai báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ quan báo chí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo TTXVN