Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Bài 2: Chống lãng phí phải thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân

- Hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là thời điểm để định hình tương lai, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực, làm giàu cho đất nước. Do đó, những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”, thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.

 
 Quang cảnh buổi trao đổi.

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt…

Từ hạn chế đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, phòng chống lãng phí phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và với nhiều giải pháp hữu hiệu, đặc biệt là “cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực…”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặc biệt nhấn mạnh cần phải tập trung hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí; ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới với 4 giải pháp cụ thể. Đó cũng chính là nội dung tiếp tục trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời:

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương;

- TS Lê Văn Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Vghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương.

PV: Thưa các vị khách mời, trong bài viết “Chống lãng phí” Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Những bất cập, hạn chế đó ảnh hưởng như thế nào đến năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cũng như là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Tôi đọc bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thì đồng chí nói rằng là lãng phí phổ biến hiện nay và nó gây ra rất nhiều hệ lụy mà chung quy lại theo đồng chí Tô Lâm thì có hai loại hệ lụy.

Một là hệ lụy về vật chất, hai là hệ lụy về niềm tin. Vật chất thì như chúng ta biết là sự lãng phí làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, làm giảm hiệu quả sản xuất rồi kể cả tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, kể cả gia tăng khoảng cách giàu nghèo… Hệ lụy về của cải vật chất rất lớn.

Đồng thời trong bài viết thì đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm còn đề cập đến hệ lụy thứ hai, đó là về niềm tin. Khi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhìn thấy Đảng ta, Nhà nước ta, rồi cán bộ chính quyền các cấp, kể cả cá nhân Nhân dân nữa, lãng phí vẫn còn phổ biến, vẫn còn kéo dài, thậm chí nặng nề và chưa được xử lý nghiêm thì lòng tin của Nhân dân đối với Đảng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Như chúng ta đã biết, mất niềm tin là mất tất cả. Nên hệ lụy thứ hai mà đồng chí Tổng Bí thư phân tích về niềm tin theo tôi cũng là sự nhìn nhận thẳng thắn, đúng đắn, mà chỉ rõ hệ lụy chúng ta cần phải nhận thức cho đầy đủ và có giải pháp để khắc phục bằng được.

 
PGS.TS Nguyễn Viết Thông:  Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích về niềm tin là sự nhìn nhận thẳng thắn, đúng đắn, chỉ rõ hệ lụy chúng ta cần phải nhận thức cho đầy đủ và có giải pháp để khắc phục bằng được. 

TS Lê Văn Hạnh: Có thể thấy rằng, trong nhận thức của chúng ta, của xã hội, của cán bộ, đảng viên từ trước đến nay thì thường coi tham nhũng tức là lấy của công làm của tư thì là có tội. Còn lãng phí thì chúng ta chưa nhận thức được như vậy. Đến bây giờ chúng ta thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng lãng phí cũng như tham nhũng. Trước kia Bác Hồ nói rằng là có khi còn có hại hơn tham nhũng. Vì vậy mà cái chung nhất chúng ta có thể thấy rằng là nếu như tham nhũng có hại như thế nào thì lãng phí cũng có hại như vậy.

PV: Dạ vâng, qua những gì mà các vị khách mời đã phân tích thì chúng ta có thể thấy là không chỉ tham nhũng, tiêu cực mà lãng phí cũng chính là một loại giặc nội xâm mà chúng ta cần phải diệt trừ. Trong cuộc chiến này chắc chắn sẽ không hề đơn giản. Theo TS Lê Văn Hạnh, liệu chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý cho cuộc chiến này?

TS Lê Văn Hạnh: Vâng, đúng là cuộc chiến chống lãng phí cũng rất gian nan và không hề đơn giản, cũng không kém gì chống tham nhũng. Nhưng mà chúng ta hoàn toàn có niềm tin để chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này. Bởi chúng ta không chỉ có đầy đủ cơ sở pháp lý mà còn có cơ sở chính trị rất là vững chắc.

Đó là Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra chủ trương là phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với một quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn. Tầm tư tưởng chỉ đạo cao nhất là Đại hội Đảng đã ghi như vậy rồi. Chúng ta cũng có Nghị quyết rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, đó là Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hai vấn đề đặt song song và ngang hàng với nhau.

Mới đây, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 27 -CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vừa rồi đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong Quy định này thì Điều 3 có quy định là cán bộ, đảng viên phải tiết kiệm, hiệu quả, không xa hoa, lãng phí thời gian, công sức và các nguồn lực xã hội khác.

 

 
 

Về cơ sở chính trị chúng ta có rất đầy đủ. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương rất mới, đó là sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, để Ban Chỉ đạo này chống cả tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Như vậy là từ đây phòng chống lãng phí sẽ được đặt ngang hàng với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này để thấy được sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng. Đặc biệt là chúng ta có một cơ sở chính trị rất vững chắc đó là sự chỉ đạo rất quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư trong bài viết “Chống lãng phí”. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở chính trị để thực hiện.

Còn về cơ sở pháp lý thì chúng ta cũng có đầy đủ. Trước hết đó là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và quy định cả việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong khu vực công, khu vực tư, khu vực ngoài nhà nước. Rồi Bộ Luật hình sự cũng quy định những tội liên quan đến gây thất thoát lãng phí vốn nhà nước, ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên đến mức phải thành tội phạm.

Như vậy là chúng ta có đầy đủ cơ sở chính trị, đầy đủ cơ sở pháp lý, các quy định về phòng, chống, xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, về mặt hành chính và cao nhất là hình sự đối với các hành vi vi phạm đến việc thực hành tiết kiệm, để xảy ra lãng phí. Vấn đề còn lại của chúng ta bây giờ là việc tổ chức thực hiện và thực hiện, làm sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Viết Thông, ông có suy nghĩ như thế nào về các giải pháp chống lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Trong bài viết đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi phân tích những cái được và chưa được trong cuộc đấu tranh phòng chống lãng phí hiện nay và yêu cầu đặt ra, các điều kiện để đưa đất nước sang kỷ nguyên mới  - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu là phải thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp, nhưng mà đồng chí nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp trọng tâm đầu tiên. Đó là phải thay đổi nhận thức. Mà để thay đổi nhận thức thì phải bắt đầu từ cấp trên, từ Trung ương cho đến cơ sở. Phải nhận thức được lãng phí là như thế nào? Đấu tranh phòng chống lãng phí ra sao cũng phải nhận thức rõ.

Cuộc đấu tranh này gay gắt lắm. Bác Hồ nói rồi: Giặc nội xâm bao giờ khó đánh hơn giặc ngoại xâm. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống lãng phí. Đây cũng là một cái mới. TS Hạnh đã nói cơ sở pháp lý có rồi, luật có rồi nhưng mà rõ ràng luật bây giờ nhìn lại theo tinh thần mới thì chưa bao quát hết được các hành vi của lãng phí.

Hay lãng phí là gì? Như chúng ta phần đầu đã nói là có nhiều dạng thức nhưng như đồng chí Tổng Bí thư phân tích 5 dạng thức, trong đó có dạng thức về thể chế. Bây giờ nhận thức về thể chế thế nào? Hay là một dạng thức là cơ hội thì phải nhận ra thế nào là lãng phí? Trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng phải bổ sung để nhận dạng rõ hơn. Đây cũng là một vấn đề mà đồng chí Tổng Bí thư đã yêu cầu phải tiếp tục nhận thức rõ. Nếu thực hiện nghiêm thì chắc chắn lãng phí sẽ được ngăn chặn và sẽ được đẩy lùi.

Các vị khách mời khẳng định: Nếu thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm thì chắc chắn lãng phí sẽ được ngăn chặn và sẽ được đẩy lùi. 

PV: TS Lê Văn Hạnh có bổ sung thêm nội dung gì về vấn đề này không?

TS Lê Văn Hạnh: Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua thì Đảng đã quyết định sửa đổi chức năng, nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tức là có thêm chữ “tiêu cực” và trong tiêu cực nó đã bao hàm cả lãng phí. Khi Ban Chỉ đạo ban hành hướng dẫn về các nội dung phòng chống tiêu cực thì trong đó cũng có những hành vi về lãng phí. Nhưng mà do tình hình tham nhũng lúc đó, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị lúc đó cho nên Ban Chỉ đạo mới chỉ tập trung vào xử lý phòng chống những hành vi lãng phí có liên quan trực tiếp đến tham nhũng, gắn với tham nhũng, là nguyên nhân hoặc hệ lụy của tham nhũng.

Thực tế là chúng ta thấy rất nhiều vụ án, vụ việc đã được xử lí. Những đối tượng đã bị xử lí về những hành vi đó là thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lãng phí. Đó là những cái vừa qua chúng ta đã làm nhưng mà làm được đến mức đã ngang bằng với chống tham nhũng tiêu cực hay chưa thì đó vẫn còn có những hạn chế.

PV: Dạ vâng! Trong bốn nhóm giải pháp đột phá mà PGS.TS Nguyễn Viết Thông vừa nêu thì chúng tôi thấy có một điểm rất là đáng chú ý, đó là phải xây dựng văn hóa chống lãng phí. TS Lê Văn Hạnh thì có quan điểm như thế nào về giải pháp này?

TS Lê Văn Hạnh: Đâu đó, chỗ này chỗ kia, trong thời gian vừa qua, phải nói rằng việc xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mới đây, Ban Nội chính Trung ương cũng đã tham mưu để xây dựng một chỉ thị của Đảng về xây dựng văn hóa liêm chính trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội.

Trong Chỉ thị này với yêu cầu của Tổng Bí thư như vậy chắc chắn nhiệm vụ phòng chống lãng phí sẽ được gắn chặt và sẽ được nhấn mạnh trong xây dựng văn hóa liêm chính. Trong đó nếu được thông qua thì sẽ có những giải pháp rất quyết liệt để chúng ta sẽ hình thành được văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng nó lại là một nhiệm vụ rất khó khăn và phải kiên quyết, kiên trì, phải làm lâu dài. Bởi vì văn hóa này nó thuộc về ý thức, thuộc về tư tưởng, thuộc về phần người trong mỗi con người, cho nên là ngoài việc chúng ta dùng các sức mạnh cứng như là xây dựng các quy định của pháp luật để bắt buộc phải tuân theo hoặc là xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý theo kỷ luật của Đảng thì văn hóa này còn phải được hình thành bằng sức mạnh mềm. Đó là bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, sự nêu gương, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu, của người lãnh đạo các cấp. Như vậy dần dần mới hình thành được văn hóa.

Thực tế chúng ta thấy, hiện nay văn hóa tiết kiệm là cái gì của tư thì chúng ta tiết kiệm, cái gì của công chúng ta chưa quan tâm nhiều lắm, bởi vì của công “cha chung không ai khóc”, cho nên bây giờ cái này phải đặt ngang hàng với nhau cả hai chân, cả văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí ở trong khu vực công, cả văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân, trong khu vực tư.

 
TS Lê Văn Hạnh:  Mới đây, Ban Nội chính Trung ương cũng đã tham mưu để xây dựng một chỉ thị của Đảng về xây dựng văn hóa liêm chính trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội.

PVRõ ràng trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Việc quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng văn hóa chống lãng phí là một mệnh lệnh chính trị cần kíp trước mắt và lâu dài có ý nghĩa như thế nào thưa các vị khách mời?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Lần này đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến văn hóa trong chống lãng phí. Đây là vấn đề rất lớn, cũng tương tự như trong phong chống tham nhũng, phải xây dựng văn hóa không muốn tham nhũng. Bây giờ phải xây dựng được văn hóa luôn luôn tiết kiệm, trở thành thường trực của mỗi người dân Việt Nam, mỗi con dân đất Việt dù ở cương vị nào cũng có văn hóa chống lãng phí. Đây không chỉ là mệnh lệnh mà là nguyện vọng.

Tôi cũng muốn nói thêm một chút. Chúng ta bàn về phòng chống lãng phí, tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh chống lãng phí là rất cần thiết nhưng phải phân biệt với bủn xỉn, keo kiệt, ti tiện. Bác Hồ đã từng nói: Cái gì không cần chi thì một xu cũng không chi, cái gì cần chi thì bao nhiêu cũng chi. Hiện nay đất nước chúng ta đang phát triển, mà phải có tư duy dài hạn, có tầm nhìn chiến lược. Ví dụ, tới đây Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương mà Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về xây dựng đường sắt tốc độ cao. Điều này phải có tư duy chiến lược như là tốc độ phải 350km/giờ, phải hiện đại, với mức dự toán 67,34 tỉ USD. Đây là số tiền không nhỏ. Nhưng rõ ràng, đây là vấn đề cần chi, phải chi, cần thiết phải làm rồi. Chứ không phải là tiết kiệm, chống lãng phí là không dám đầu tư, phát triển gì cả, kể cả những công trình văn hóa, sân vận động, bảo tàng…. Tới đây phải tiếp tục xây dựng, phải làm như đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng trung tâm triển lãm ở Đông Anh (Hà Nội) đang triển khai rất lớn…

TS Lê Văn Hạnh: Thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra về chống lãng phí thì rõ ràng là có ý nghĩa như chương trình của chúng ta hôm nay đặt ra. Đó là mệnh lệnh chính trị cần kíp trước mắt và lâu dài. Trước mắt thì tôi thấy cái lớn nhất đó là nó sốc lại nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tác hại của lãng phí. Nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang dốc sức, dồn lực thực hiện các mục tiêu rất lớn của đất nước như hiện nay.

Còn ý nghĩa trước mắt mà cũng là ý nghĩa lâu dài nữa đó là chống lãng phí, tiết kiệm sẽ đảm bảo các nguồn lực cho phát triển kinh tế của đất nước với phương châm 5 tự như Tổng Bí thư đề ra. Đó là tự lực, tự chủ, tự cường, tự tin, tự hào. Vấn đề thực hiện mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh như Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, thì không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh làm việc này.

Còn ý nghĩa rất lâu dài nữa đó là nâng cao uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng. Rõ ràng, một đảng lãnh đạo mà để không những tham nhũng mà còn lãng phí nhiều như thế này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín. Thứ hai là nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, làm sao quản lý nhưng phải tạo sự phát triển. Thứ ba nữa là củng cố niềm tin của Nhân dân. Đấy là những tác dụng ý nghĩa rất là lâu dài trong cuộc chiến chống lãng phí hiện nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

Thu Hà và nhóm PV