Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

'Xử lý một vụ lãng phí để cảnh tỉnh cả vùng'

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết nhiều lĩnh vực có dự án lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước nên cần xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng.

Chiều 30/10, tại họp báo công bố kết quả họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ông Đông cho biết các cơ quan sẽ rà soát, xử lý dứt điểm dự án trọng điểm quốc gia có hiệu quả thấp, gây thất thoát lãng phí lớn.

Theo thống kê, tình trạng lãng phí đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực, từ xây dựng (9 dự án) đến năng lượng, công nghiệp (22 ), giao thông (15), văn hóa thể thao du lịch (7) và nông nghiệp (4). Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao cơ quan chức năng trước mắt tập trung xử lý dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức 2 tại Hà Nam; dự án chống ngập tại TP HCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành.

Ông yêu cầu "làm một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, rõ người chịu trách nhiệm, không để kéo dài hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác; xác định thời điểm đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo Phó ban Nội chính, chủ trương chống lãng phí đã được xuyên suốt trong các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản quy định vấn đề này. Nhờ đó, nhiều dự án lãng phí đã được đưa vào hoạt động sau nhiều năm ách tắc như các ngân hàng 0 đồng, dự án do Bộ Công Thương quản lý.

"Các cơ quan đã rất cố gắng nhưng phải thấy là công tác phòng chống lãng phí không xuể. Công việc này rất lớn, rất rộng và lãng phí gây hậu quả lớn hơn, nhiều hơn tham nhũng, nên phải kiên trì làm từng bước, đến từng chi bộ", ông Đông nói.

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông trả lời báo chí, chiều 30/10. Ảnh: Quỳnh Trang

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông trả lời báo chí chiều 30/10. Ảnh: Quỳnh Trang

Phó ban Nội chính cho hay thời gian tới các cơ quan sẽ ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về phòng chống lãng phí, trong đó có nhận diện hành vi, biểu hiện và trách nhiệm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Bổ sung nhiệm vụ chống lãng phí cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Nguyễn Hữu Đông, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá việc bổ sung chức năng chống lãng phí cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, là "rất đúng, rất trúng". Ông yêu cầu cơ quan chức năng vừa đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa đẩy mạnh phòng chống lãng phí. Phòng chống tham nhũng tiêu cực phải gắn với chống lãng phí; và chống lãng phí có vị trí tương đương với chống tham nhũng.

Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan kiên trì giải pháp từ thấp đến cao, như xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí thành chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; đưa vào nội quy từng cơ quan; xử lý vi phạm từ hành chính đến mức cao nhất là hình sự. "Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm vì đây là tài sản của Nhà nước, tiền của nhân dân", ông nói.

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông phân tích lãng phí tài nguyên là vấn đề nhức nhối. Cơ cấu chi ngân sách đang nghiêng về chi thường xuyên (chiếm 70%) cho thấy sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực. Để giải quyết vấn đề này cần sắp xếp lại bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, tập trung đầu tư vào các công trình hạ tầng trọng điểm.

Trong khi đất nước còn nhiều nhu cầu đầu tư lớn như đường sắt cao tốc, điện hạt nhân, thì nguồn lực trong dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khai thác hết. Để thu hút nguồn lực này, thể chế cần phải hoàn thiện tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và minh bạch.

Việc rà soát và sửa đổi các quy định về phòng chống lãng phí, đặc biệt là các định mức kinh tế kỹ thuật, là vô cùng cần thiết. Những quy định lạc hậu sẽ là rào cản lớn đối với việc thực hiện các dự án lớn, hiện đại. "Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng sẽ được sửa đổi", ông Đông cho hay.

Viết Tuân/vnexpress.net