Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng
Báo chí tích cực đấu tranh chống suy thoái chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo chí, dưới nhiều hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, đã thực sự nêu cao vai trò chủ lực, xung kích trên mặt trận tư tưởng, trong đấu tranh chống tiêu cực nói chung, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW năm 2018 về việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Nghị quyết 35-NQ/TW đã nêu rõ mục tiêu: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng này, vai trò của báo chí là không thể bỏ qua.
Vị thế quan trọng, nguồn nhân lực dồi dào
Sinh thời, Lênin, lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới coi báo chí thực sự là vũ khí chiến đấu của giai cấp, là cơ quan tuyên truyền, tham gia vào việc tổ chức và phát triển xã hội bằng hoạt động ngôn luận của mình[1].
Sử dụng có hiệu quả báo chí để phát triển lực lượng cách mạng, Lênin đã chỉ rõ: Tác dụng của báo chí không những chỉ ra hạn chế ở chỗ truyền bá tư tưởng giáo dục chính trị và thu hút những người đồng tình về chính trị; báo chí không những chỉ ra những người tuyên truyền tập thể và người cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể.
Hồ Chí Minh cũng bắt đầu cuộc đời hoạt động của mình bằng tiếng nói đấu tranh của báo chí[2].
Ngay từ đầu Cách mạng Tháng Tám, Người đã căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.
Với báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, 99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất và chủ quyền quốc gia. Cùng với xuất bản, báo chí đã tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị cơ sở lý luận, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần thúc đẩy các cao trào cách mạng, tiến tới thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo chí đã tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Và, báo chí hiện nay, đang góp phần rất quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Báo cáo công tác báo chí năm 2023 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024[3] cho biết, hiện nay, Việt Nam có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực là Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân (với 15 cơ quan báo chí gồm 11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nằm trong cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực); 127 cơ quan báo chí; 671 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình), bao gồm: 2 đài quốc gia (VTV, VOV), 64 đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc VOV và 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Báo Nhân dân, QHTV, ANTV, Phát thanh Truyền hình Quân đội, VNews). Ngoài ra là 1.924 trang thông tin điện tử tổng hợp đã cấp phép, còn hoạt động. Số trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí còn hoạt động là 136 trang.
Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp.
Có thể nói, với hệ thống báo chí phủ khắp các địa bàn, ngành nghề, lực lượng xã hội, bên cạnh lực lượng báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương và các địa phương, báo chí chính là đội quân chủ lực có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, mọi loại hình thông tin để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất, sinh động nhất và tác động mạnh mẽ nhất.
Phát huy vai trò chủ lực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thông tin nói chung, thông tin báo chí nói riêng, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, ảnh hưởng tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người. Thông qua đó, làm thay đổi nhận thức, quan niệm, thái độ và hành vi của con người.
Dễ nhận thấy, tìm hiểu, phát hiện và cung cấp thông tin cho người dân về tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống hay những vụ việc tiêu cực, những thói hư tật xấu, nhất là của những người trong bộ máy chính quyền là việc làm không đơn giản, nếu không muốn nói là khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, vượt lên tất cả, thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thời gian qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, báo chí, dưới nhiều hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, đã thực sự nêu cao vai trò chủ lực, xung kích trên mặt trận tư tưởng, trong đấu tranh chống tiêu cực nói chung, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.
Không chỉ tập trung tuyên truyền, đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhiều cơ quan báo chí còn mở chuyên trang, chuyên mục để phản bác các luận xuyên tạc, chống phá của thế lực thù địch, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chẳng hạn, Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Điện tử Vietnam+ có chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; Báo Công an Nhân dân có “Chống diễn biến hòa bình”, Tạp chí Cộng sản có “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch”, Tạp chí Tuyên giáo có “Bảo vệ nền tảng tư tưởng”...
Báo chí đã phát hiện, phản ánh trước công luận, đưa ra ánh sáng không ít hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhiều vụ việc do báo chí phanh phui, đăng tải công khai đã được cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước xem xét, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe cao. Cũng chính báo chí, với các thông tin chính xác, kiên trì, trung thực và trách nhiệm, đã giúp công chúng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra tiếp cận vấn đề một cách khách quan, đa chiều, đầy đủ hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Không chỉ thể hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận, là diễn đàn, là cầu nối để Nhân dân cung cấp thông tin, phản ánh, kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng... suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống... báo chí, với lợi thế thông tin rộng khắp, nhanh nhạy đã giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tình hình thực tiễn về công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên để có chủ trương, đường lối thích hợp, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng của Đảng.
Đồng thời, báo chí cũng kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động thông qua các bài viết, thước phim, hình ảnh trực diện có tính chính xác và thuyết phục cao, chẳng hạn: Bài “Nhận diện mưu đồ chống phá dưới chiêu bài “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”’ đăng trên Báo Công an Nhân dân ngày 08/04/2024[4], bài “Việt Nam bác bỏ những nhận định không chính xác trong Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế” đăng trên Báo Thanh tra ngày 09/05/2024[5] hay bài “Sự thật cái gọi là "Việt Nam vi phạm nhân quyền" đăng trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 20/05/2024[6]... Thông qua đó, giúp đại bộ phận người dân và những người yêu chính nghĩa nhận ra bản chất thật của các âm mưu, luận điệu xuyên tạc như: Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Việt Nam “đàn áp” những người hoạt động dân chủ, nhân quyền; Việt Nam không có tự do báo chí... Hay việc đòi xóa bỏ chế định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi phi chính trị hóa quân sự cũng như là đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Những năm qua, đặc biệt là giai đoạn gần đây, với chủ trương không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định qua nhiều văn kiện đại hội; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng, cách chức, cho thôi chức nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao không gương mẫu, có những vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và mỗi cá nhân những người đó. Lợi dụng điều này, trên không gian mạng, các thế lực thù địch, chống phá đã phát tán nhiều thông tin xấu, độc, sai sự thật, phủ nhận thành quả phòng chống tham nhũng của nước ta; cho rằng nền “chính trị bất ổn” khiến “nhà đầu tư nước ngoài quan ngại”... Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí càng chủ động đấu tranh, phản bác những luận điệu không đúng này.
Đáng chú ý, không chỉ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở bên ngoài, báo chí còn “tự làm sạch” ở bên trong khi mỗi tòa soạn, mỗi cơ quan báo chí, thông qua tổ chức Đảng và các đoàn thể, đều thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, chủ động rà soát nội bộ, chống các biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” ở cơ quan mình.
Vĩ thanh
Dù đó đây vẫn còn hạn chế, tồn tại nhất định, nhưng không thể phủ nhận thực tế là thời gian qua, báo chí đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc phát hiện, đấu tranh chống suy thoái chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
--------------
[1] Xem thêm, TS Vũ Duy Thông (Chủ biên), Mác - Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2004.
[2] GS Hà Minh Đức, Báo chí Hồ Chí Minh: Chuyên luận và tuyển chọn (Tái bản lần thứ hai, có sửa chữa), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2017, trang 19.
[3] Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tài liệu Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 20024, Hà Nội, tháng 12/2023, trang 5 -7.
[4] https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-muu-do-chong-pha-duoi-chieu-bai-tu-nhan-luong-tam-nha-hoat-dong-nhan-quyen-nguoi-bat-dong-chinh-kien-i727602
[5] https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/viet-nam-bac-bo-nhung-nhan-dinh-khong-chinh-xac-trong-bao-cao-tu-do-ton-giao-quoc-te-224267.html
[6] https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/su-that-cai-goi-la-viet-nam-vi-pham-nhan-quyen-777599