Kinh tế - Chính trị

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Đầu tư một số giống lúa thành gạo dược phẩm'

Việt Nam sẽ giảm dần đất trồng lúa và đầu tư để lúa gạo không chỉ là thực phẩm mà còn trở thành dược phẩm.

Nội dung chất vấn gồm:

- Chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

- Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; phát triển thị trường nông sản, thủy sản; phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng;

- Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Đại biểu Châu Chắc nêu câu hỏi về việc "phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, giải pháp hỗ trợ cho người trồng lúa?". Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói "lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh".

Theo ông Cường, trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo.

Ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn lúa. 

"Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn", ông Cường nhấn mạnh.

Trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên một số nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo. "Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng", ông Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó.

Ông dẫn chứng, hiện nay sản phẩm dầu cám gạo đem lại giá trị cao hơn sản lượng gạo tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư vào lĩnh vực này. Ở Quảng Trị vừa qua đã xây dựng mô hình 600 ha làm lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh tuý nhất của hạt gạo. "Đây là hướng đi đúng và chúng ta sẽ  nâng cao giá trị hạt gạo", ông Cường cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời đại biểu Ngô Thanh Danh về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng...

"Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá", ông Cường nói và cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì "không ai dự báo được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào".

Lấy ví dụ về việc thừa hạt tiêu, ông Cường cho hay, Việt Nam có khả năng cung cấp 350.000 tấn hạt tiêu, chiếm khoảng 60% thế giới. "Nhiều thì thừa là tất yếu", ông nói. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tìm giải pháp, bàn với địa phương là tới đây tập trung chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định. 

"Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp, đưa công nghệ mới nhất vào, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Thu Trang - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo ông Cường, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị; hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp. 

"Tuy nhiên, 11.800 đơn vị nói trên cùng với 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khi chỉ chiếm 8% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam", ông Cường cho hay.

"Vậy giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp là gì?", bà Trang tiếp tục chất vấn. Ông Cường nói Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

"Khuôn khổ pháp lý tốt sẽ giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hiện nay dù khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa", ông Cường nói.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong 3 ngày (6 đến 8/11), các thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn là: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tiếp tục cập nhật.

Hoài Thu - Hoàng Thùy - Viết Tuân/vnexpress.net