Kinh tế - Chính trị

Điện Biên Phủ: Quá khứ hào hùng, tương lai tiếp bước

- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Article thumbnail
Một góc của thành phố Điện Biên Phủ ngày nay. Ảnh: TK

Dựng mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc

70 năm trước, năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.  

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ còn bắt nguồn từ tình đoàn kết trong sáng, thủy chung của nhân dân và quân đội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trên một chiến hào chống kẻ thù chung; sự ủng hộ chí tình cả về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở, điều kiện để nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại, làm thay đổi cục diện thế giới, khẳng định sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam, của Nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập trên thế giới.

 Công trình cầu Thanh Bình chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mới khánh thành. Ảnh: TK

Diện mạo mới của một thành phố trẻ, vươn tầm mạnh mẽ

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn mãi vang dội cho đến hiện tại và tương lai, khi người dân trên khắp đất nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; cùng chào đón dấu mốc tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. 

“Lòng chảo” Điện Biên ngày ấy giờ đã khoác lên mình diện mạo mới của một thành phố trẻ, đang dần vươn tầm mạnh mẽ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Điện Biên hôm nay vẫn lưu giữ những dấu tích đáng nhớ của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào, như Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, di tích Đồi A1... Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tỉnh Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ nói riêng tập trung phát triển du lịch - một hình thức phát triển kinh tế mang tính mũi nhọn của địa phương.

70 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, chiến trường Điện Biên Phủ khói lửa năm xưa nay dần được thay thế bằng hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, với những ngôi nhà, những ánh đèn đô thị rực rỡ về đêm.

Sau những năm đầu mới giải phóng Điện Biên, với khẩu hiệu “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình”, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa hăng hái xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, nông sản Điện Biên đã khẳng định giá trị, đang vươn ra thị trường ngoại tỉnh và quốc tế góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. 

 Công trình đường 7/5 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: sttt.dienbien.gov.vn

Hôm nay, Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư dần trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền núi phía Bắc; những công trình, dự án của các tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, Sungroup, Đèo Cả... đã và đang được triển khai mạnh mẽ.

Bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của Điện Biên hôm nay đang sáng lên. Giấc mơ về một Điện Biên đổi mới, phát triển giàu mạnh đang đến rất gần.

Đặc biệt, mảnh đất Điện Biên anh hùng vẫn được biết đến là vùng đất thiêng của Tổ quốc bởi nơi đây có vị trí địa chính trị quan trọng. Điện Biên là địa phương duy nhất có chung đường biên giới với 2 nước Trung Quốc và Lào; có đường hàng không đến Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đã được Chính phủ cho phép mở đường bay quốc tế tới một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanma.

Vốn là vùng đất lịch sử với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa qua quá trình thiên di, lập nghiệp và bảo vệ lãnh thổ của các tộc người... Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Điện Biên liên kết không gian, mở ra triển vọng phát triển ngành kinh tế du lịch.

 Sân bay Điện Biên đón máy bay phản lực cỡ lớn Airbus A321 của Vietnam Airlines. Ảnh: dienbien.gov.vn

Vùng đất đặc biệt nên sẽ được quan tâm đặc biệt

Với con số ấn tượng đã đạt được trong năm 2023, tỉnh Điện Biên có tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,1%, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo đột phá vào mũi nhọn du lịch và dịch vụ... 

Riêng về lĩnh vực du lịch, năm 2023 vừa qua, du lịch tỉnh Điện Biên đã đón trên 1 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của nhân dân.

Để xây dựng Điện Biên ngày càng đổi mới và phát triển xứng tầm được đặt ra trong quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định: “Điện Biên là vùng đất đặc biệt nên sẽ được quan tâm đặc biệt và phát triển cũng theo hướng đặc biệt”.

 Một góc của thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TK

Với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để Điện Biên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

Với tầm nhìn phát triển tỉnh Điện Biên đến năm 2030 là trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Nông, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

70 năm, mảnh đất Điện Biên Phủ đang dần vươn lên mạnh mẽ,  bằng nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong dựng xây và phát triển; tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, Điện Biên - mảnh đất từng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ trở thành một trọng điểm kinh tế nơi cực Tây Tổ quốc./.

Trần Kiên/thanhtra.com.vn