Công tác nội chính

Các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tư pháp của Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh

Để thực hiện tốt chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật, trong những năm qua Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, và các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.

     Hằng năm, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND đều xây dựng kế hoạch công tác trong đó có nội dung giám sát công tác tư pháp; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trước mỗi kỳ họp thường lệ, Ban Pháp chế tiến hành khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp để tiến hành việc thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp; đồng thời tập trung theo dõi, giám sát các nội dung liên quan đến cải cách tư pháp như: Việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp; tình hình thực hiện nhiệm vụ sau khi tăng thẩm quyền cho các cơ quan tư pháp cấp huyện; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà cử tri quan tâm.

Kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh (ảnh Báo Yên Bái điện tử)
     Cùng với việc giám sát thường xuyên, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay Thường trực, Ban Pháp chế HĐND hai cấp đã tiến hành 34 chuyên đề giám sát và nhiều cuộc khảo sát, giám sát các vụ việc theo đơn kiến nghị của cử tri, như: Tình hình chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; thực hiện quy định của pháp luật về công tác điều tra, truy tố, xét xử; về thi hành án dân sự; việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử đối với các trường hợp cho hưởng án treo; giám sát các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết một số vụ án, vụ việc cụ thể.
     Qua giám sát, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND đã phát hiện, chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là những nội dung liên quan đến cải cách tư pháp. Từ kết quả giám sát đã kịp thời kiến nghị các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác, bảo đảm kịp thời, đúng quy định pháp luật.
     Chất lượng Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế đối với việc chấp hành pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp từng bước được nâng lên. Luôn coi trọng tính phản biện, không né tránh khi đề cập đến những tồn tại, hạn chế. Nội dung nhận xét, đánh giá tập trung vào những vấn đề trọng điểm, hạn chế trùng lặp; nhờ vậy các kiến nghị ngày càng cụ thể, rõ ràng, sát thực.
     Nhìn chung trong những năm qua, việc giám sát hoạt động tư pháp được HĐND hai cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc; đã tạo được bước chuyển biến trong nhận thức và trong thực hiện công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; hoạt động giám sát ngày càng đi vào nền nếp và thực chất hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc giám sát hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là:
     - Số lượng các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh, cấp huyện về hoạt động của các cơ quan tư pháp thời gian qua chưa nhiều.
     - Giám sát của đại biểu HĐND thông qua chất vấn người đứng đầu các cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật (Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp) tại các kỳ họp còn ít và chưa thường xuyên dẫn đến việc giám sát đôi lúc còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, chưa nắm bắt hết được những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:    
     - Các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan tư pháp hiện nay do lãnh đạo cơ quan tư pháp Trung ương bổ nhiệm mà không do HĐND bầu (nên không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm).
     - Hoạt động của các cơ quan tư pháp có tính chuyên môn sâu, để giám sát được đòi hỏi đại biểu HĐND phải được đào tạo hoặc am hiểu về lĩnh vực pháp lý. Thực tế hiện nay cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND các cấp có trình độ đào tạo về luật, hoặc có kinh nghiệm, thời gian công tác tại các cơ quan tư pháp rất ít.
     - Các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính… được các cơ quan tư pháp thực hiện theo quy trình tố tụng rất chặt chẽ, đại biểu HĐND không tham gia quá trình tố tụng, nên việc tiếp cận, nghiên cứu phát hiện sai sót có những hạn chế, khó khăn nhất định.
     - Lực lượng cán bộ trực tiếp tham mưu, thực hiện giám sát công tác tư pháp của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện còn mỏng; theo quy định của pháp luật còn phải thực hiện giám sát, thẩm tra đối với một số lĩnh vực khác (Ban Pháp chế HĐND tỉnh có 05 thành viên nhưng chỉ có 02 thành viên hoạt động chuyên trách; Ban Pháp chế HĐND cấp huyện chỉ có 01 thành viên hoạt động chuyên trách), nên việc thực hiện giám sát đối với hoạt động tư pháp còn hạn chế. Chuyên viên Văn phòng tham mưu, giúp việc lĩnh vực pháp chế cấp tỉnh, cấp huyện còn ít, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, một số đồng chí không có chuyên môn về luật.
Để nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
     Thứ nhất:  Nâng cao chất lượng công tác xem xét, thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp và chất vấn người đứng đầu các cơ quan tư pháp, trước mỗi kỳ họp HĐND.
Trước mỗi kỳ họp HĐND, Ban Pháp chế cần tăng cường khảo sát, thu thập thông tin về hoạt động của các cơ quan tư pháp để thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp. Hoạt động thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp không chỉ là việc làm thường lệ 6 tháng, hàng năm, mà thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng giúp HĐND giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trên cơ sở đó, các đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu chuyên trách của các Ban HĐND tỉnh, huyện có thể chủ động, tăng cường chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án nhân dân, thành viên UBND (là thủ trưởng cơ quan Công an) tại các kỳ họp HĐND.
     Thứ hai: Tăng cường các cuộc giám sát chuyên đề và giám sát đột xuất. Kịp thời theo sát, nắm bắt diễn biến thực tiễn, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan tư pháp, đặc biệt là các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử như: giám sát công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giám sát công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm; việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự, dân sự của các cơ quan thi hành án…
     Thứ ba: Tổ chức tốt việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp thông qua công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Qua đó, chủ động hoặc theo chỉ đạo của Thường trực HĐND tổ chức giám sát đột xuất theo vụ việc, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục những hạn chế, tồn tại, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. 
     Thứ tư: Muốn giám sát tốt các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp, bản thân mỗi đại biểu HĐND cần tìm hiểu rõ thông tin qua các kênh. Đồng thời, nghiên cứu các chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát, để giám sát kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, lựa chọn thành viên Ban Pháp chế phải là đại biểu có kiến thức về pháp luật; đã hoặc đang công tác trong các lĩnh vực tư pháp. Đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho thành viên Ban Pháp chế các địa phương, nhất là phương pháp tiếp cận thông tin; cách đặt câu hỏi; cách bày tỏ quan điểm rõ ràng nếu cơ quan chịu sự giám sát báo cáo chưa đúng, hoặc chưa đủ. Có như vậy, mới tránh được biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát của một số đại biểu hiện nay./.
Hà Thái Thọ
                                                Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh