Theo gương Bác

Cảnh giác với những luận điệu sai trái về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên

Những ngày này, khi hàng vạn thanh niên cả nước nô nức lên đường tham gia nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại ra sức tung ra các luận điệu sai trái, thù địch nhằm tạo dư luận xấu, gieo rắc tư tưởng thoái thác về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc, nhất là những người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Từ ngày 13 đến hết ngày 15/2/2025 (tức từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ), thanh niên trên địa bàn cả nước sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2025 - Ảnh minh họa

Những luận điệu sai trái không thể xem thường

Một số đối tượng khác cũng lợi dụng các trang mạng xã hội để xuyên tạc bản chất của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các đối tượng cho rằng đó là sự “cưỡng ép”, “bắt buộc”, làm “phung phí những năm tháng tuổi trẻ của thanh niên”, “đi bộ đội là không có tương lai” (?!)… Nguy hiểm hơn, có đối tượng đã lợi dụng một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong quá trình huấn luyện tân binh để xuyên tạc, quy chụp công tác huấn luyện trong quân đội là “quân phiệt”, “làm mất tự do của thanh niên”… để kích động một bộ phận thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Gần đây, một số đối tượng cũng đăng tải những hình ảnh cắt ghép, xuyên tạc về hình ảnh chia tay của các tân binh với người thân, gia đình trong buổi lễ xuất quân đầu năm để rêu rao rằng “đi bộ đội là lìa bỏ gia đình”. Nổi lên trong số đó là hàng loạt video có nội dung dàn dựng về việc người chiến sĩ nghĩa vụ bị người yêu chia tay, phản bội để đi theo những lợi ích, cám dỗ vật chất.

Ngoài ra, trên một số trang mạng xã hội còn có hiện tượng bôi đen đời sống của người lính nghĩa vụ. Các đối tượng đã dàn dựng, cắt ghép những thông tin, hình ảnh về đời sống của tân binh khi mới nhập ngũ để rêu rao rằng chiến sĩ phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, bị bắt nạt, trù dập, đánh đập…

Đáng chú ý, có một số đối tượng đã lợi dụng một số vụ việc đáng tiếc ở một số đơn vị có tình trạng chiến sĩ mới xảy ra mâu thuẫn, xô xát hoặc một số chiến sĩ bị thương, hi sinh trong quá trình huấn luyện để xuyên tạc, bôi nhọ chính sách với chiến sĩ mới của Quân đội; từ đó kích động một bộ phận thanh niên tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự.

Dù nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau nhưng mục đích của các đối tượng khi đưa ra những luận điệu trên là nhằm xuyên tạc chủ trương thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, các đối tượng còn muốn kích động một bộ phận thanh niên và gia đình đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước, kích động xu hướng chống đối chính quyền khi thực hiện các đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự… Thực tế đã cho thấy có một số thanh niên tìm cách “trốn” nghĩa vụ quân sự; một số gia đình có tâm lý hoang mang, mất niềm tin vào chủ trương tuyển quân hàng năm nên tìm cách đối phó. Đây là những hệ quả không thể xem nhẹ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương lớn của Đảng trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng

Từ xưa đến nay, bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thanh niên. Trong lịch sử dân tộc, đã có nhiều tấm gương thanh niên tiên phong tham gia bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước lâm nguy, có nhiều thanh niên đã sẵn sàng gác bỏ gia đình, giảng đường cùng những ước mơ, hoài bão để lên đường tòng quân. Với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thanh niên chính là lực lượng nòng cốt vì thanh niên có sức trẻ, lòng nhiệt huyết và khát khao cống hiến.

52 tỉnh, thành phố tổ chức giao nhận quân năm 2025 (cập nhật liên tục...)

Niềm vui ngày nhập ngũ 

 

Ở Việt Nam hiện nay, bảo vệ Tổ quốc được khẳng định là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân. Theo Khoản 2, Điều 45 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Khoản 2, Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định: “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này”. Khoản 2, Điều 2 Luật Thanh niên năm 2020 quy định nghĩa vụ của thanh niên với Tổ quốc là: “Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu”.

Thực hiện quy định đó, hằng năm, hàng vạn thanh niên trên khắp mọi miền đất nước đã hăng hái tham gia nhập ngũ tạo thành ngày hội của toàn quân. Những năm qua, có không ít thanh niên đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định, thậm chí có những người đang làm chủ các doanh nghiệp cũng xung phong nhập ngũ, tạo thành một phong trào tiên phong sôi nổi của thanh niên. Đáng chú ý, tuy không có quy định bắt buộc nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng hàng năm đều có không ít nữ thanh niên tình nguyện tham gia tòng quân. Điều đó chứng tỏ thanh niên Việt Nam ngày nay đang tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, xung kích của lớp lớp các thế hệ cha anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, không thể lấy hiện tượng một bộ phận rất nhỏ thanh niên thiếu trách nhiệm, có biểu hiện trốn tránh nghĩa vụ quân sự để quy kết cả thế hệ thanh niên ngày nay “phai nhạt lý tưởng cách mạng”, “không hào hứng” hưởng ứng quy định về trách nhiệm tham gia nghĩa vụ quân sự.

Hơn nữa trong những năm qua, sở dĩ thanh niên hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự bởi Đảng, Nhà nước, Quân đội có nhiều chủ trương, chính sách tạo động lực cho thanh niên. Đó là quan tâm đến việc giáo dục tri thức, đạo đức, lối sống, giáo dục nghề nghiệp, lý tưởng, kỹ năng sống cho chiến sĩ. Ngoài ra, đời sống vật chất và tinh thần của chiến sĩ cũng không ngừng được nâng cao như chất lượng bữa ăn được bảo đảm, điều kiện ăn ở, sinh hoạt không ngừng được cải thiện; đời sống tinh thần không ngừng được nâng lên thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Đồng thời, chiến sĩ trong thời gian tại ngũ còn được đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp; sau khi xuất ngũ còn được nhận phụ cấp, cấp chứng chỉ nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm… Các quân nhân khi trở về địa phương tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, học tập, lao động sáng tạo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Điều này không chỉ tạo động lực cho thanh niên tích cực tham gia nhập ngũ mà còn góp phần tạo ra sự yên tâm của các gia đình khi cho em mình nhập ngũ. Do đó, không thể cố nói bừa rằng việc tham gia nghĩa vụ quân sự của thanh niên là “ép buộc”, “không có tương lai”.

Như vậy, có thể khẳng định Quân đội chính là trường học lớn để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Được phục vụ trong môi trường Quân đội, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân. Với kỷ luật tự giác và nghiêm minh, môi trường văn hóa quân sự là cơ hội để thanh niên học tập, rèn luyện, trưởng thành và cống hiến. Thông qua đó, thanh niên trưởng thành về mọi phương diện, nhất là về nhận thức chính trị, hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học để nhận diện rõ, đúng những vấn đề thời sự, chính trị diễn ra trong nước và thế giới; đồng thời, nâng cao tinh thần yêu nước, nhận thức, ý thức cảnh giác cách mạng, có lập trường chính trị vững vàng, có khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc. Một mùa xuân mới lại về, hàng vạn thanh niên lại nô nức lên đường nhập ngũ, nhân lên sức trẻ cho Quân đội. Bất kể những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch hay thông tin xấu độc, không chính xác cũng những người thiếu hiểu biết; sự tham gia đông đảo với khí thế hứng khởi của hàng ngàn, hàng vạn thanh niên trên cả nước trong ngày hội tòng quân đã tạo thêm một khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. 

Chiên Lê/thinhvuongvietnam.com