Kinh tế - Chính trị

Chính phủ nghiên cứu đưa lịch sử là môn học bắt buộc

- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đ.X

Trong phiên khai mạc kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV sáng ngày 23/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2022.

“Những nhận định, đánh giá mà Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội cơ bản là phù hợp, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm

Phát huy kết quả đạt được năm 2021, theo ông Thành, những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ. 

80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 4 tháng, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 02 ngân hàng yếu kém ....

Công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng. Tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, công tác dạy học được tổ chức triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; tới nay, học sinh, sinh viên cả nước đã trở lại học tập trực tiếp.. Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư. 

Phó Thủ tướng cũng báo tin vui, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương. 

Tính đến hết ngày 22/5, Đoàn Thể thao Việt Nam đoạt 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng, dẫn đầu toàn đoàn với 446 huy chương, trong đó có 28 kỷ lục được phá…

“Kinh tế xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, ông Lê Văn Thành khẳng định.

Tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là “thách thức rất lớn”

Dù vậy, theo Phó Thủ tướng, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, để đạt các mục tiêu, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là “thách thức rất lớn”.

Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu đưa lịch sử là môn học bắt buộc 

Từ đó, ông nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. 

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả.

Phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành ... 

Nhiệm vụ, giải pháp nữa là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; cơ cấu lại thị trường và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới.

Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ quan tâm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu QUốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Ngoài ra, phát triển kinh tế phải bảo đảm hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế phải bảo đảm hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương và chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng nhiều năm, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế -xã hội…

“Những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, song nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới là rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, Chính phủ sẽ phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.

Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2021:

- CPI bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%).

- Bội chi ngân sách Nhà nước là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP), trong đó, thu tăng 16,8% dự toán (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 1,7% dự toán).

- Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%).

- Xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 2 tỷ USD).

Hương Giang/thanhtra.com.vn