Kinh tế - Chính trị

Chủ tịch nước: TP HCM sẽ được thí điểm, đi trước một số lĩnh vực

TP HCM sẽ được cho một cơ chế thuận lợi để năng động hơn, có thể thí điểm, đi trước một số lĩnh vực, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Thông tin được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội với UBND TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, chiều 13/10.

Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM có hiệu lực từ năm 2018 đến hết 2022. Mới đây, Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất kiến nghị Quốc hội cho TP HCM kéo dài cơ chế đến hết 2023. Thành phố cũng đang dự thảo nghị quyết mới thay thế nhằm đề xuất cơ chế vượt trội hơn trước, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, sáng 12/10. Ảnh: Thanh Tùng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, sáng 12/10. Ảnh: Thanh Tùng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước khi vào làm việc với TP HCM, ông đã có cuộc hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ, và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thống nhất tinh thần là phải cho thành phố một cơ chế thuận lợi để có thể năng động hơn. Theo đó, thành phố sẽ được thí điểm, đi trước một số lĩnh vực và có chính sách cụ thể.

"Ai cũng nói thể chế, cơ chế của siêu đô thị như TP HCM đã quá chật hẹp. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cũng thấy vấn đề này", ông nói và thông tin thêm sau chuyến làm việc với TP HCM cuối tháng 9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao các cơ quan Trung ương nghiên cứu đề xuất của thành phố.

Chủ tịch nước nhận xét thời gian qua thành phố đã thực hiện nhiều nội dung trong Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù, nhưng có chính sách triển khai chậm, chưa phát huy đồng bộ, nên sự phát triển bị kìm hãm. Do đó, chính sách mới cần kết thúc các rào cản hiện tại, đồng bộ pháp lý, bãi bỏ nội dung không phù hợp và bổ sung cơ chế đột phá mới, áp dụng giao quyền mạnh mẽ hơn.

"Cơ chế mới sẽ phân cấp trên nhiều lĩnh vực như: tự chủ tài khoá, thí điểm đánh thuế bất động sản, bán đấu giá quyền phát triển dự án, phát triển trung tâm tài chính, tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội... ", Chủ tịch nước nói.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC TP HCM

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC TP HCM

Nói về cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò lập trung tâm tài chính quốc tế của TP HCM. Ông cho rằng đề án này "không thể chậm trễ hơn" và phải cố gắng làm nhanh nhất có thể, không để mất cơ hội. Đồng thời, TP HCM có thể nghiên cứu vị trí đặt trung tâm tài chính tại Cần Giờ thay vì Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) như kế hoạch.

Ông Dũng cho biết từng thăm dò và thấy Cần Giờ có quỹ đất khoảng 10.000 ha gồm cả một phần huyện Nhà Bè và giáp với Long An. Nếu mở được thành phố tài chính ở đây sẽ nối được trung tâm thành phố hiện nay với trung tâm mới ở Cần Giờ qua sông Soài Rạp. "Cần đánh giá tác động lan toả của trung tâm này với nền kinh tế và cả nước, chứ không chỉ đặt trung tâm ở một vài toà nhà", ông nói.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý TP HCM cần tập trung giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Ông dẫn chứng thành phố Manila đóng góp 30% GDP của Philippines, nhưng riêng tắc nghẽn giao thông đã làm giảm đi 8% GDP. Tại Việt Nam, chưa có ai tính toán thiệt hại của ùn tắc giao thông đến nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng cần sớm xây dựng chiến lược để quy hoạch lại không gian phát triển, giãn dân thành phố.

Với tiềm năng từ các tuyến metro đang triển khai, ông Dũng cũng đề nghị TP HCM nghiên cứu khai thác không gian ngầm. Bởi đây là nguồn lực rất lớn để kêu gọi đầu tư, thu được ngân sách từ các hoạt động thương mại, dịch vụ, đồng thời giảm áp lực ùn tắc trên mặt đất.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng TP HCM cần quan tâm đến quy hoạch không gian ngầm. Vấn đề này hiện chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, ông cũng nhắc nhở thành phố cần rà soát lại quy hoạch phân khu, chi tiết để khai thác tốt hơn, điều chỉnh hoặc xoá các quy hoạch treo, không khả thi.

Tiếp thu góp ý, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên ví von chỉ cần đủ nhiên liệu và một đường ray an toàn cho tốc độ cao, thì chuyện tăng tốc của "đầu tàu" kinh tế TP HCM là hoàn toàn có thể. Sự mất đà, chậm nhịp thời gian qua có thể được giải quyết bằng cơ chế vượt trội, mang tính đột phá, và là nơi thí điểm các vấn đề mới để Trung ương rút kinh nghiệm.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm của TP HCM ước tăng hơn 9,9% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350 nghìn tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm. Theo ước tính của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 của thành phố dự báo tăng 9,44% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, quy mô thu hút vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm, chỉ còn 0,6 triệu USD mỗi dự án và chủ yếu là mở rộng sản xuất kinh doanh, ít dự án mới.

Thu Hằng/vnexpress.net