Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng

Cử tri muốn có cơ chế thưởng phạt phân minh, chống tham nhũng đi cùng bảo vệ cán bộ

- Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế thưởng phạt phân minh; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

- Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế thưởng phạt phân minh; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 22/5, tại phiên khai mạc kỳ họp 5, báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, bên cạnh sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân còn nhiều lo lắng.

Lo thất nghiệp làm tăng, chi tiền mua nhà ở vẫn chưa nhận được nhà

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân lo lắng trước những biến động kinh tế - xã hội, như áp lực gia tăng lạm phát; giải ngân vốn đầu tư công chậm…

Cạn đó là những băn khoăn, quan tâm, lo lắng về các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản; tình trạng người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập gia tăng…

Trước những lo lắng, băn khoăn này, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện Quy hoạch Tổng thể quốc gia, triển khai hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm.

Có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, cử tri gửi ý kiến đến kỳ họp 5.

Báo cáo tổng hợp kiến nghị cho thấy cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư.

Nhiều người dân đầu tư vào trái phiếu, bảo hiểm, thẻ kỳ nghỉ... nay có thể gặp rủi ro, nhất là các hợp đồng mua nhà của các chủ đầu tư ở các khu đô thị; hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng các thẻ kỳ nghỉ... vì những hợp đồng này đều được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, nhưng sau đó lại thêm điều khoản có lợi cho bên bán, cho chủ đầu tư.

“Vì tin tưởng nên người dân không đọc kỹ hoặc đọc cũng không hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân”, báo cáo nêu.

Cử tri, nhân dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, thẻ kỳ nghỉ....

Cạnh đó, có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bị thu hồi dự án do chậm tiến độ đã kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (mà gần đây nhất là các dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh...).

Cử tri còn kiến nghị cần công khai các dự án sử dụng đất để quá hạn chưa thực hiện đầu tư, đầu tư kéo dài, hiện tượng làm giả đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc làm ảnh hưởng lũng loạn thị trường nhất là thị trường bất động sản.

Có cơ chế để không thể, không cần, không muốn, không dám tham nhũng, tiêu cực

Với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác này.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã khẩn trương hơn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Công ty AIC, sai phạm trong phát hành trái phiếu của một số tập đoàn: FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới...

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự thống nhất cao đối với quan điểm nhân văn, nhân đạo của Đảng ta trong xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Nhưng cử tri và nhân dân bày tỏ lo lăng khi phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương vẫn chậm chuyển biến... Công tác thu hồi tài sản dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, gây cản trở, làm chậm sự phát triển của đất nước cũng là vấn đề khiến cử tri, nhân dân lo lắng.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các những giải pháp, có cơ chế thưởng phạt phân minh.

Song song với đó, là phải bảo vệ được những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; có cơ chế để không thể, không cần, không muốn, không dám tham nhũng, tiêu cực…

Có chế tài đủ mạnh để bảo vệ người dân khi ký hợp đồng mua bán bất động sản, bảo hiểm

Với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, ông Chiến nêu 5 kiến nghị cụ thể với Đảng, Nhà nước.

Trong đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân.

Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm...

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn