Nghiên cứu - Trao đổi
Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng được dìu đến tòa
Sáng nay, trong ngày đầu tiên bị xét xử, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có hai người dìu đến tòa, khi đứng khai báo cũng cần người hỗ trợ.
Ông Mai Tiến Dũng cùng bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ, bị TAND Hà Nội xét xử với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng vụ án, 6 người bị truy tố tội Nhận hối lộ gồm: cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; Lê Quốc Khanh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ; Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định, cựu Thanh tra viên chính Cục II; Nguyễn Ngọc Ánh, cựu Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, là người duy nhất trong vụ án bị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Ông Mai Tiến Dũng (ở giữa) khi đi vào phòng xét xử. Ảnh: Danh Lam
Ông Mai Tiến Dũng được tại ngoại, đội mũ lưỡi trai và đeo khẩu trang kín mặt, có hai người dìu đến tòa. Khi khai báo nhân thân, ông cũng phải nhờ hai người dìu đứng dậy, giọng yếu, tay run, được chủ tọa cho đứng tại chỗ khai báo.
Luật sư Trần Nam Long, bào chữa cho ông Dũng, cho hay thân chủ đang điều trị nội trú, rối loạn tiền đình do di chứng nhồi máu não. Luật sư xin HĐXX cho phép thân chủ nằm tại phòng điều trị y tế trong những phần không liên quan và cho phép bị cáo ngồi khai báo.
HĐXX triệu tập 36 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong 16 người đến tòa có đại diện Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Cựu cục trưởng Giang có đơn xin xét xử vắng mặt, được luật sư trình bày ông bị bệnh nặng, liệt nửa người, không đủ điều kiện sức khỏe tới dự tòa. Quá trình điều tra, bị cáo hợp tác khai báo thành khẩn.
Đồng tình quan điểm VKS, tòa tiếp tục xét xử do sự vắng mặt không ảnh hưởng diễn biến phiên xử.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp. Ảnh: Ngọc Thành
TAND Hà Nội dự kiến mở phiên sơ thẩm trong 5 ngày, kể cả ngày nghỉ. 4 người được tại ngoại là ông Mai Tiến Dũng, Nguyễn Nho Định, Nguyễn Hồng Giang và bà Trần Bích Ngọc.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng từ năm 2010. Tổng diện tích đất quy hoạch 3.595 ha.
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án Đại Ninh. Biết được việc này, ông Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận mua lại dự án từ bà Phan Thị Hoa.
Nhà chức trách cáo buộc ông Trí đã lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước tại Trung ương và Lâm Đồng. Mục đích nhằm thực hiện hành vi điều chỉnh trái pháp luật các quyết định đúng đắn của nhà nước trong xử lý sai phạm.
Ông Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa, sáng 16/1. Ảnh: Ngọc Thành
Sau khi đạt được thỏa thuận chuyển nhượng dự án Đại Ninh, cánh cửa đầu tiên ông Trí tìm đến là ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết). Ông Trí được ông Minh hướng dẫn gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ để chỉ đạo Thanh tra vào cuộc, với mong muốn dự án được gia hạn, giãn tiến độ, không bị thu hồi.
Ông Trí sau đó hai lần đại diện cho Sài Gòn Đại Ninh cầm đơn ra gặp trực tiếp ông Mai Tiến Dũng để trình bày. Ông Trí đề xuất, thông qua Văn phòng Chính phủ báo cáo xin ý kiến Phó thủ tướng Thường trực chỉ đạo mạnh mẽ hơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết.
Quá trình gặp gỡ, ông Trí gửi quà cảm ơn 200 triệu đồng cho ông Dũng, bà Ngọc 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông Trí còn hỗ trợ 380 triệu đồng tiền mua quà lưu niệm là bộ ấm chén cho lễ kỷ niệm của Văn phòng Chính phủ. Bị can Dũng đã phối hợp với gia đình nộp lại 580 triệu đồng để khắc phục.
Ngày 25/1/2021, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Trí đến Thanh tra Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực. Sau lần chỉ đạo thứ hai này, ông Minh ký quyết định thành lập tổ công tác giải quyết kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh không đúng pháp luật. Hành vi này đã tạo tiền đề cho hàng loạt sai phạm trong việc điều chỉnh, sửa đổi kết luận thanh tra, cho dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận. Ảnh: Ngọc Thành
Thanh tra Chính phủ sau đó thành lập tổ công tác kiểm tra xác minh với buổi làm việc đầu tiên tại trụ sở Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, ngày 15/3/2021. Ngày 30/3 và 26/4/2021, đoàn Thanh tra Chính phủ do ông Minh chủ trì và UBND tỉnh Lâm Đồng đã họp, thống nhất kiến nghị cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án.
Ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. UBND tỉnh Lâm Đồng đồng thuận với đề nghị này.
Sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến đồng ý của Phó thủ tướng Thường trực, ông Minh ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra. Theo đó dự án của ông Trí không bị thu hồi và tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ.
Theo cáo buộc, suốt quá trình thanh tra, 4 cán bộ thanh tra đã nhận tiền từ ông Trí. Cụ thể, ông Khanh nhận 500 triệu đồng (hưởng lợi 450 triệu), ông Xuân nhận 150 triệu đồng (hưởng lợi 130 triệu), ông Định nhận 70 triệu đồng, ông Ánh nhận 100 triệu đồng.
VKS còn cáo buộc, ông Trí hai lần đến nhà riêng ông Minh tại quận 3, TP HCM đưa 10 tỷ đồng. Một lần 8 tỷ đồng đưa trực tiếp, 2 tỷ đồng đưa qua con trai ông Minh. Hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ song ông đã chết trước khi làm việc với cơ quan điều tra nên không xem xét. Tuy nhiên VKS cho rằng cần thu hồi 10 tỷ đồng ông Minh đã nhận.
Cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng 12 lần nhận hối lộ tiền tỷ
Theo cáo trạng, bằng mối quan hệ, ông Trí còn liên hệ gửi đơn để tác động, thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang. Quá trình xin các thủ tục này, ông Trí đã nhiều lần gặp cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận nhờ quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ thay đổi đăng ký kinh doanh, ủng hộ kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Ông Trí 5 lần đến phòng làm việc của ông Quận tại Tỉnh ủy Lâm Đồng để gặp, đưa tổng số 2,1 tỷ đồng. Trong đó 3 lần đưa 500 triệu, một lần 200 triệu và một lần 400 triệu.
Vị đại gia còn nhờ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp xin thay đổi đăng ký kinh doanh, giãn tiến độ dự án, chỉ đạo sở ngành tính tiền sử dụng đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ông Trí bị cáo buộc đã 7 lần đưa tiền cho ông Hiệp, tổng 4,2 tỷ đồng.
Các lần đưa tiền diễn ra ở phòng làm việc của ông Hiệp ở UBND tỉnh Lâm Đồng và tại nhà riêng. Trong đó có hai lần mỗi lần một tỷ đồng.
Sau khi "bẻ lái" lấy lại được dự án, ông Trí đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Thiên Vương thuộc Tập đoàn Novaland, hưởng lợi bất chính 2.700 tỷ đồng.
VKS xác định 2.700 tỷ đồng ông Trí nhận của Novaland là số tiền hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội của Trí và đồng phạm. Tuy nhiên, trong phi vụ này vẫn có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland khi ký hợp đồng giao dịch không đúng pháp luật. Từ đó, nhà chức trách cho rằng cần tịch thu sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính này, tranh chấp giữa ông Trí và Novaland sẽ được giải quyết ở thủ tục dân sự.
Hiện, các bị can đã nộp khắc phục tổng số 251 tỷ đồng. Nhà chức trách cũng tạm giữ 9 sổ đỏ đứng tên Công ty TNHH Thương mại Phương Nam do bà Hoa tự nguyện giao nộp; phong tỏa 3 tài khoản đứng tên bà Hoa với tổng số hơn 3 tỷ đồng; ngăn chặn tạm ngừng giao dịch hai nhà đất của vợ chồng ông Minh.
Phạm Dự - Thanh Lam/vnexpress.net