Ban Nội chính Trung ương

Điểm báo tuần số 397 từ ngày 07/12 đến ngày 13/12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra, Giáo dục, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Thời báo Tài Chính, Công Thương, Hải quan, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/12) đồng loạt đăng tải nội dung Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Năm 2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác; nắm chắc tình hình, chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước kiên quyết, linh hoạt, xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ; phối hợp chặt chẽ các cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lụt, sạt lở đất đá… Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những thành tích mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã đạt được trong năm 2020. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2021 là năm mở đầu cho một thập kỷ mới, cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, Quân ủy Trung ương và toàn quân phải tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, ý chí cách mạng tiến công, đề cao tính chiến đấu và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Thực hiện tốt chức năng tham mưu về quân sự, quốc phòng; chủ động, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình để tham mưu với Đảng, Nhà nước những đối sách bảo vệ đất nước, giữ vững ổn định, hòa bình, làm nền tảng để xây dựng, phát triển đất nước bền vững. Tập trung xử lý có hiệu quả một số vấn đề biển, đảo, biên giới, nhất là tình huống trên Biển Đông, tuyến biên giới và vùng biển Tây Nam, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn; không được để xảy ra bị động, bất ngờ; tiếp tục đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, Quân đội ta; đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng và kỷ luật quân đội; tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Đảng, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/12) đưa tin, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76 nhằm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác công an năm 2020 và tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2020; triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 và những năm tiếp theo; phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2021 trong lực lượng Công an nhân dân (CAND). Năm 2020, tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và áp lực rất lớn đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các ban, bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của các tầng lớp nhân dân; lực lượng CAND đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đã đề ra và đạt được những kết quả, thành tích rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật trong năm 2020. Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả công tác của toàn ngành công an, của Đảng ủy Công an Trung ương, của công an các địa phương đã chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh quốc gia, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Về một số nhiệm vụ cụ thể trong năm 2021, Thủ tướng nêu rõ, toàn lực lượng CAND phải phát huy tính chủ động, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước; hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hội nghị, đoàn khách quốc tế tại Việt Nam. Tập trung cao độ mọi lực lượng, phương án, kế hoạch, bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội XIII của Đảng và bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026... Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo chức năng của lực lượng CAND không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi dịch bệnh đang diễn biến còn nhiều phức tạp trên thế giới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Sức khỏe và Đời sống, Thời báo Tài Chính, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/12) phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho ý kiến về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Biên Phòng, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Phụ nữ Việt Nam, Hải quan, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12/12) cho biết, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10. Các luật được công bố gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung đáng chú ý là Luật Cư trú năm 2020 có bảy chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Việc xây dựng, ban hành luật này là cần thiết, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú… Trong đó, chương IV của luật quy định thay thế đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, luật bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Luật Biên phòng Việt Nam gồm sáu chương, 36 điều nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của Ðảng, Nhà nước trong những năm qua; việc ban hành luật này tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh,  Công lý, Nhà báo và Công luận, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN (08/12) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Cần Thơ cho biết, đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy để điều tra hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Theo kết luận điều tra, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, ông Tuấn đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 33 thửa đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch của quận Bình Thủy với diện tích gần 11 nghìn m2, trị giá 5,1 tỷ đồng và quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp Nghị quyết của HĐND và UBND thành phố Cần Thơ đối với 06 thửa đất có tổng diện tích 3.934 m2 trị giá hơn 4,8 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
 
    Báo Nhân Dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bảo vệ pháp luật, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Đầu tư, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (08/12) đưa tin, ông Trần Tấn Hải, Phó tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận (Công ty Tân Thuận; 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) cùng Nguyễn Thị Ngọc Bích, Kế toán trưởng và Nguyễn Hoàng Việt và Nguyễn Xuân Tùng, đều là kiểm soát viên, đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Các bị can bị  bắt với vai trò đồng phạm trong vụ chuyển nhượng, hoán đổi 320.000 m2 đất do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai vào giữa năm 2017. Trước đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Trần Công Thiện, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận. Trong vụ việc này, bước đầu cơ quan chức năng xác định Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Thanh tra, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Phụ Nữ Việt Nam, An ninh Thủ đô, Tiền Phong, Giao Thông, Xây Dựng, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (08/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố 13 bị can liên quan đến sai phạm tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Các đối tượng trên đã có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình giám sát thi công, xác nhận nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dẫn đến đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí (08/12) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ tham ô hàng chục tỷ đồng xảy ra tại công ty TNHH MTV dịch vụ cơ quan nước ngoài (viết tắt là FOSCO). Theo đó, bị can Trần Hoàng Nguyệt, nguyên Phó phòng Tài chính kế toán FOSCO cùng 3 đồng phạm bị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Kết quả điểu tra cho thấy, các bị can đã cấu kết lập khống 314 bộ chứng từ lương để chiếm đoạt của FOSCO số tiền 44 tỷ đồng.  Liên quan tới vụ án, Trần Công Thanh, nguyên Phó Tổng Giám đốc của FOSCO cùng 13 đồng phạm bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Dân trí, TTXVN (09/12) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hoàng Sơn, Kế toán tại Tòa án nhân dân huyện Châu Thành về tội “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra, từ tháng 6/2013 đến tháng 3/2019, Nguyễn Hoàng Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, đã lập chứng từ kế toán không đúng thực tế bằng cách đưa thêm tên công chức của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành vào danh sách chuyển khoản chi trả lương, làm thêm giờ, công tác phí, phụ cấp hàng tháng… rồi chuyển vào tài khoản cá nhân Nguyễn Hoàng Sơn . Tổng số tiền mà Nguyễn Hoàng Sơn đã chiếm đoạt được bằng cách thức trên là gần 2 tỷ đồng. Liên quan vụ án này, ông Nguyễn Duy Lâm, là Chánh án TAND huyện Châu Thành thời điểm xảy ra vụ án và ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chánh án TAND huyện Châu Thành cũng đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý.
 
    Báo Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Khoa học và Đời sống, Thời báo Tài Chính, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (10/12) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Trong số 10 bị cáo bị đưa ra xét xử có Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh, cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, cựu Kế toán trưởng; Nguyễn Thị Kim Dung, cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính. Theo cáo trạng, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, với động cơ vụ lợi, từ đầu tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với một số công ty tư nhân kinh doanh vật tư y tế, để nâng giá mua các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (10/12) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 9 đã có cáo trạng truy tố các bị can trong vụ tham ô tài sản hơn 20 tỷ đồng xảy ra tại Xí nghiệp Tây Đô trực thuộc Công ty TNHH MTV 622 Quân khu 9, gồm: Nguyễn Văn An , cựu Giám đốc Xí nghiệp Tây Đô; Tạ Thanh Hoàng, cựu Phó Giám đốc và Đinh Thị Trà My, cựu Kế toán trưởng. Theo cáo trạng, từ năm 2012-2016, Xí nghiệp Tây Đô được Công ty 622 giao san nền bằng cát và sân đường bê tông thuộc dự án doanh trại và dự án xây dựng kho chuyên dụng. Trong quá trình thi công, các bị cáo đã thông qua việc ký hợp đồng với một số doanh nghiệp để chuyển tiền cho các doanh nghiệp này sau đó rút tiền mặt ra một phần dùng vào việc thi công, qua đó  chiếm đoạt hơn 20,1 tỷ đồng tiền ngân sách.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Phụ nữ Việt Nam, Sức khỏe và Đời sống, Giao Thông, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử kín vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và 03 đồng phạm. Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án. Dịp Tết năm 2020, ông Nguyễn Đức Chung thông qua Nguyễn Hoàng Trung, tặng cho bị cáo Phạm Quang Dũng 1 phong bì chứa 10.000 USD. Trong quá trình điều tra, bị cáo Dũng đã tự nguyện nộp lại số tiền này. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 05 năm tù giam. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 1 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù.
 
    Báo Đắk Lắk, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài TNVN (12/12)  đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can Nguyễn Hữu Thông, nguyên Trưởng phòng Tổ chức và Cao Thị Ninh, Phó phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế Đắk Lắk liên quan đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk từ năm 2014. Trước đó, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 bị can. Theo kết quả điều tra, năm 2014-2015, Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt kết quả đấu thầu đối với 7 mặt hàng thuốc. Đây là các mặt hàng đạt tiêu chuẩn nhóm 3 nhưng nhóm bị can trên đã thông đồng, phê duyệt trúng thầu nhóm 2 là không đúng theo quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục điều tra, mở rộng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra, Giáo dục, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Thời báo Tài Chính, Công Thương, Hải quan, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/12) đồng loạt đưa tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì hội nghị. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 01/02/2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Theo báo cáo, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đột  phá đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn nổi bật, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, có đến 93% ý kiến bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã  trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế trọng điểm, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo; trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, gồm: 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 07 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 07 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt khá cao. So sánh, năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013- 2020, đạt 32,04%.  Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định, nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.Trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch; từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (10/12) đăng tải nội dung trả lời phỏng vấn độc quyền của hãng thông tấn Bernama nhân Ngày Quốc tế chống tham nhũng 9/12, ông Shamshun Baharin, Phó Giám đốc Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) cho biết, từ năm 2015 tới tháng 10/2020, tổng cộng 2.607 công chức ở nước này đã bị bắt giữ vì các hành vi tham nhũng. Về phương hướng sắp tới, ông Shamshun Baharin cho biết MACC sẽ tập trung vào các cơ quan chính quyền địa phương và MACC sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đối phó với tham nhũng và lạm quyền cũng như các hành vi sai trái khác.
 
    Báo Công an nhân dân (11/12) cho biết, Tòa án thành phố Vienna (Áo) đã ra phán quyết, tuyên phạt bị cáo Karl-Heinz Grasser, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính mức án 08 năm tù về tội tham nhũng, trở thành vị cựu Bộ trưởng đầu tiên lâm vòng lao lý trong lịch sử tư pháp của nước này. Theo cáo trạng do Viện Công tố Vienna công bố, trong giai đoạn năm 2004 khi còn là Bộ trưởng Tài chính, ông Grasser đã cùng với 2 đồng phạm khác nhận số tiền "lại quả" 9,6 triệu euro, do đã cung cấp thông tin nội bộ về việc tư nhân hóa 60.000 căn hộ thuộc sở hữu công ở ngoại vi thủ đô Vienna, khiến bên mua thắng thầu rồi bán lại 3 năm sau với giá gần gấp đôi so với giá bỏ thầu là 961,2 triệu euro. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020.
    - Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76.
    - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020.
    - Tuyên phạt 05 tù giam đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.
    - Khởi tố đối với Trần Tấn Hải, Phó tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và các đồng phạm.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG