Kinh tế - Chính trị

Doanh nhân Việt Nam kiên cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nhân Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa kinh doanh, khẳng định đạo đức, văn hóa kinh doanh của chính mình cũng như của doanh nghiệp mình. Đây là sự phát triển vượt bậc của doanh nhân Việt Nam được cả xã hội trân trọng và ghi nhận.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.

  Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: K.D)

Phóng viên (PV): Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông đánh giá thế nào về sự trưởng thành cũng như tâm và tầm của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Phạm Tấn Công: Năm nay là năm kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ viết thư động viên giới công thương Việt Nam và chúng ta cũng kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam – ngày truyền thống, tự hào của giới doanh nhân cả nước. Chúng ta rất phấn khởi khi thấy trong chặng đường phát triển vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa Việt Nam từ vị trí hầu như không có gì trên bản đồ kinh tế thế giới trở thành một quốc gia nằm trong top 40 lớn nhất về GDP và top 20 về quy mô thương mại thế giới.

Đạt được những thành tựu đó, chúng ta phải ghi nhận đây là sự chuyển thành vượt bậc về tâm và tầm của các doanh nhân Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua. Các doanh nhân Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nhân vươn ra các thị trường thế giới và nhiều doanh nhân làm chủ, lãnh đạo các tập đoàn lớn, dẫn đầu các ngành kinh tế, là trụ cột cho nền kinh tế của quốc gia, đồng thời cũng có đủ sức để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều doanh nhân đã tiên phong vươn ra thị trường thế giới. Đó là cái tầm của doanh nghiệp Việt Nam đã rất khác trước đây. Đáng chú ý hơn và đáng ghi nhận hơn, là tư duy chiến lược và tư duy phát triển của doanh nghiệp Việt Nam không còn những mục đích ngắn hạn. Nhiều doanh nhân hiện nay đã tập trung vào những mục đích rất dài hạn, tầm nhìn rất là xa để phát triển doanh nghiệp theo kinh tế xanh, phát triển theo xu hướng bền vững, phát triển dựa trên đạo đức doanh nhân là văn hóa kinh doanh. Đây chính là cái tâm của doanh nhân Việt Nam - một bước phát triển mới.

Trong giai đoạn hiện nay ngày càng nhiều doanh nhân quan tâm đến câu chuyện xây dựng văn hóa kinh doanh, khẳng định đạo đức, văn hóa kinh doanh của chính mình cũng như của doanh nghiệp mình. Đây là sự phát triển vượt bậc của doanh nhân Việt Nam mà cả xã hội đều trân trọng và ghi nhận.

PV: Dịch COVID-19 vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, ông đánh giá thế nào về bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi kinh tế hậu COVID-19?

Ông Phạm Tấn Công: Doanh nhân Việt Nam rất kiên cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ý chí tinh thần vượt khó. Trong chiến tranh khó mấy dân tộc ta cũng làm được. Ngày nay, thời bình, trong cuộc chiến xây dựng đất nước, tinh thần bất khuất này càng mạnh mẽ. Chúng ta đã vượt qua 2 năm COVID-19 vô cùng khó khăn. Giờ là giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp doanh nhân đang nỗ lực vươn lên mạnh mẽ khi các cơ hội mở ra, như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy do COVID -19. Minh chứng là sự tăng trưởng vượt bậc của GDP quý III rất ấn tượng, trên 13%. Kết quả này đến từ sự sáng tạo, nhanh nhạy của các doanh nghiệp Việt Nam.

  Nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19 đang là vấn đề rất lớn với các doanh nghiệp (Ảnh: K.D)

Trong hội nhập chúng ta còn nhìn thấy dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng cho mình chứ không chỉ ngồi đợi các doanh nghiệp nước ngoài đến nữa. Đây chính là bản lĩnh, sự nhanh nhạy của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam ngay trong thời điểm COVID-19 thậm chí khi mà dịch bùng phát mạnh nhất thì một số ngành như ngành giày dép vẫn đảm bảo việc làm, ổn định sản xuất.

Về dài hạn, mục tiêu của nhiệm kỳ đến năm 2025 -2030 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập trung bình, đến 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Để đạt mục tiêu này, doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất nhiều, Nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đạt được khát vọng phát triển. Trong đó đảm bảo về vốn kinh doanh. Chúng ta có hỗ trợ về lãi suất vay nhưng triển khai còn rất chậm. Việc khống chế lạm phát, đảm bảo tỷ giá cho đồng tiền, việc đưa ra các quyết sách, phê duyệt các dự án cần đảm bảo tốc độ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội.

Ngoài ra, nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19 đang là vấn đề rất lớn với các doanh nghiệp, là lực cản cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tuyển dụng lại đội ngũ lao động đã rời đi khi có dịch COVID-19. Thêm nguồn nhân lực đáp ứng các đơn hàng mới khi chúng ta chiếm được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản phẩm. Đây là câu chuyện cần sự quan tâm, hỗ trợ ngay của Nhà nước nhằm đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế.

PV: Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đề ra mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần có những giải pháp gì thưa ôngLà “ngôi nhà” chung của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI có chương trình thế nào để nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam?

Ông Phạm Tấn Công: Con số 1,5 triệu doanh nghiệp trong nhiệm kỳ này đúng là rất thách thức, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng không đạt được. Tuy nhiên, quan điểm thế nào là doanh nghiệp là vấn đề cần bàn? Ở nhiều nước có một người họ cũng gọi là doanh nghiệp. Nhìn sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc số doanh nghiệp hàng triệu triệu. Riêng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc có tới 5.000.000 hội viên. Bởi đối với các quốc gia, khi kinh doanh là họ thành lập doanh nghiệp.

Còn chúng ta có một nấc là thành lập hộ kinh doanh. Hiện cả nước có 5,6 triệu hộ kinh doanh. Chúng ta cũng từng có dự kiến chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhưng chưa nhận được sự đồng thuận cao của chính các hộ kinh doanh đó.

Tôi thấy rằng, để thực hiện mục tiêu 1,5 triệu - 2 triệu doanh nghiệp cần giải quyết tốt 2 khía cạnh. Một là về thể chế, về môi trường kinh doanh. Chúng ta phải tạo điều kiện, phải nhìn ở góc độ lợi ích của người kinh doanh, lấy lợi ích kinh doanh làm tâm điểm, đấy chính là tinh thần coi doanh nghiệp là chủ thể.

Mặt khác, từ hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp thì được lợi gì, lợi ích sẽ giúp họ có động lực chuyển đổi. Còn nếu chỉ vì mục tiêu là có một con số đẹp thì sẽ không nhận được sự ủng hộ. Tức là câu chuyện ở đây thể chế phải rất rõ ràng, thể chế phải tạo điều kiện, bởi chuyển đổi thì đơn giản, nhưng chuyển đổi xong cần có những lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp.

Còn nếu vẫn để thể chế là hộ kinh doanh sẽ có lợi nhiều hơn doanh nghiệp thì không tạo ra động lực. Chúng ta phải xác định được động lực của người kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp. Nếu không tìm được điểm then chốt này thì chính sách nào ban hành ra cũng sẽ không khả thi. Khi chính sách đúng, các hộ sẽ chuyển sang doanh nghiệp. Và khi doanh nghiệp được thành lập mới, mấu chốt là điều kiện kinh doanh có tốt không. Điều cần nhất hiện nay là cơ quan quản lý nên tạo các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tốt lên, khi đó doanh nghiệp sẽ có động lực mở rộng.

Trước yêu cầu khát vọng phát triển, VCCI đã nhìn nhận phải phát triển đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam một cách tương xứng vì không ai khác chính doanh nhân là những người tổ chức lực lượng sản xuất để làm ra sản phẩm cho xã hội. Khi muốn trở thành đất nước văn minh, phát triển ngang tầm thế giới thì chính đội ngũ doanh nhân phải tiên phong, làm gương trong xã hội. Đại hội VII của VCCI xác định nhiệm vụ cấp bách là xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân Việt Nam (Ảnh: K.D)

VCCI đã công bố sáu chuẩn mực quy tắc đạo đức doanh nghiệp Việt Nam. Đấy cũng là sáu giá trị lớn nhất để định hướng cho doanh nhân Việt Nam noi theo. Ngay trong cái việc bình xét trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, lấy các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, kinh doanh đấy để xem xét, đánh giá những doanh nhân tiêu biểu, như vậy đảm bảo là các doanh nhân Việt Nam phát triển theo định hướng là vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc và đấy là những nguyên tắc lớn của chúng ta trong định hình xây dựng, phát triển của các doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là một yêu cầu và Bộ Chính trị về Đại hội Đảng lần thứ ba của chúng ta đã đề ra và chúng tôi sẽ nhất quán đi theo con đường này. Sẽ có các cái chương trình sắp tới để tiếp tục thúc đẩy, động viên, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp đi theo cái con đường là kinh doanh phát triển bền vững, lấy đạo đức, văn hóa, kinh doanh làm gốc, lấy khoa học công nghệ hiện đại là năng lực cạnh tranh để từ đó chúng ta khẳng định mình và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

PV: Trong lần vinh danh doanh nhân tiêu biểu năm nay đã xuất hiện một số doanh nhân trẻ, ông đặt kỳ vọng gì vào thế hệ doanh nhân trẻ đối với nền kinh tế Việt Nam?

Ông Phạm Tấn Công: Hơn 35 năm đổi mới, thế hệ doanh nhân đã hoàn thành sứ mệnh của mình, giờ là thế hệ doanh nhân trẻ, nhiều người lập nghiệp, khởi nghiệp. Doanh nhân trẻ hiện nay may mắn hơn khi có nền tảng, kinh tế Việt Nam đã có sức mạnh, có quy mô, sản phẩm Việt Nam không phải vô danh mà đã có chỗ đứng trên thị trường, nhiều doanh nhân được đào tạo bài bản.

Người doanh nhân đời đầu tham gia kinh doanh từ khát vọng sinh tồn, thoát nghèo chứ không được đào tạo bài bản, nhưng thế hệ doanh nhân trẻ giờ khác khi vị thế xã hội đã khác xa nhiều, được đào tạo bài bản, hỗ trợ từ công nghệ thông tin…

Nhưng thách thức với doanh nhân trẻ là thị trường đã được định hình khá rõ. Nên để có được vị trí trên thương trường là vô cùng khó. Bên cạnh đó tốc độ thay đổi của công nghệ nhanh, chu kỳ đầu tư ngắn nhưng đòi hỏi vốn liếng đầu tư khác xưa rất nhiều. Xưa kinh doanh vay vốn bạn bè, máy móc chạy hàng chục năm vẫn tốt, thị trường ít hàng hoá nên bán gì cũng hết.

Nhưng câu chuyện giờ là ngược lại, không nhanh sẽ lạc hậu. Cộng thêm, thị trường không còn là của riêng họ, là của thế hệ trước, của địa phương khác, của doanh nghiệp FDI, hàng của nước ngoài ship đến tận cửa nhà. Các doanh nhân trẻ đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. Trong bối cảnh hội nhập, các đối thủ hiện nay là toàn cầu. Từ cái tăm được làm ra cũng là đối thủ cạnh tranh của nước ngoài.

Sức mạnh tinh thần của thế hệ trước hơn nay rất nhiều bởi hoàn cảnh khi đó là Việt Nam đang ở đáy mức sống của thế giới, nên khát vọng làm giàu vô cùng lớn. Tuy nhiên, thế hệ trẻ có động lực, khát vọng lớn. Do đó, cần xây dựng được văn hoá kinh doanh trong thế hệ doanh nhân trẻ trên cơ sở ta phải định hình văn hóa kinh doanh của chính thế hệ doanh nhân trước.

Thông điệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 2022 tôi muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, đó chính là xây dựng niềm tin và truyền cảm hứng. Đó là sự kết tinh bằng niềm tin của khách hàng dành cho doanh nghiệp, cho sản phẩm. Chính niềm tin tạo sức mạnh thị trường. Khi xã hội đã ngưỡng mộ sản phẩm, doanh nhân thì cảm hứng được lan toả toàn xã hội. Điều này góp phần cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
Kim Dung/dangcongsan.vn