Nghiên cứu - Trao đổi
Dự kiến thanh tra chuyên ngành hoạt động thế nào khi sắp xếp lại bộ máy?
- Nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; kế hoạch thanh tra; thực hiện các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận được đề cập trong dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Chiều 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, trong đó có nội dung về thực hiện chức năng thanh tra.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo nghị quyết gồm 16 điều, quy phạm hoá 3 chính sách.
Về nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng thanh tra, được quy định tại Điều 8 của dự thảo nghị quyết.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định cơ quan có cơ quan thanh tra trực thuộc và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có sự thay đổi về tên gọi hoặc cơ cấu lại tổ chức mà không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Tổng cục và tổ chức tương đương tổ chức lại thành các cục và tổ chức tương đương, vụ và tổ chức tương đương thì các cục tổ chức lại từ tổng cục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã được giao cho tổng cục trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lại thành các vụ thì chức năng thanh tra chuyên ngành của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ do Thanh tra Bộ thực hiện.
Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ sáp nhập với các đơn vị khác để tổ chức thành cục mới thì cục mới tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã được giao cho Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trước đây.
Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp thành các cục, chi cục và tổ chức tương đương mới thì các cục, chi cục mới tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã được giao cho các cục, chi cục trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các trường hợp khác do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp thực hiện.
Về kế hoạch thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra, theo dự thảo nghị quyết, cơ quan có chức năng thanh tra mới được tổ chức lại có trách nhiệm rà soát, kế thừa các kế hoạch đã được ban hành để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra mới.
Các cuộc thanh tra đang tiến hành thanh tra hoặc đã kết thúc thanh tra nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra, đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra mới được tổ chức lại ban hành kết luận thanh tra.
Trường hợp cuộc thanh tra liên quan đến nhiều nội dung thuộc quản lý nhà nước của nhiều cơ quan mới được tổ chức lại thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng các dự thảo kết luận thanh tra theo nội dung quản lý nhà nước tương ứng và báo cáo Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra có thẩm quyền ban hành kết luận thanh tra.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hiện nay, Chính phủ đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án về việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.
Do đó, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục cập nhật, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thiện quy định về chức năng thanh tra trong dự thảo nghị quyết, bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức, sắp xếp cơ quan thanh tra theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu để có cách thể hiện quy định nội dung này sao cho khái quát hơn, phù hợp với các phương án, tình huống sắp xếp tổ chức bộ máy cụ thể.
theo Hương Giang/thanhtra.com.vn