Kinh tế - Chính trị

Khối tài sản kê biên trong vụ Vạn Thịnh Phát xử lý thế nào

Ngoài hình phạt tử hình, tòa buộc bà Trương Mỹ Lan bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB; giao ngân hàng tiếp tục quản lý 1.122 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay của bị cáo.

Chiều 11/4, TAND TP HCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụngTham ô tài sản và Đưa hối lộ.

Theo HĐXX, trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Do đó, bà Lan và các bị cáo phải chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại này.

"Lẽ ra tất cả bị cáo phải bồi hoàn số tiền này, song bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, sử dụng toàn bộ số tiền theo mục đích của mình, nên tòa buộc bị cáo Lan bồi thường số tiền còn dư nợ", HĐXX xác định.

Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án, chiều 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án, chiều 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Theo báo cáo của SCB, từ ngày khởi tố vụ án đến hết ngày 1/4 có một số khoản vay trong 1.284 khoản vay của bà Lan đã được tất toán cả gốc và lãi với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng; tài sản thế chấp đã được xuất khỏi SCB. Do đó, số khoản vay của bà Lan giảm xuống còn 1.243 khoản, tương ứng với 1.122 mã tài sản đảm bảo. Số tiền thiệt hại mà bà Lan có trách nhiệm bồi thường cũng giảm xuống còn 673.800 tỷ đồng, bao gồm đã cấn trừ số tiền Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) và một số bị cáo khác khắc phục hậu quả.

Từ đó, tòa tuyên giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp. Quá trình xử lý các tài sản để thu hồi nợ, nếu dư thì phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan thì dùng đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.

 

Đối với căn biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, trị giá khoảng 700 tỷ đồng, bà Lan đề nghị lại giao cho con gái tiếp tục trùng tu), HĐXX xác định biệt thự này thuộc Công ty Minerva do con cháu bà Lan nắm giữ cổ phần. Tài sản này được mua bằng tiền có nguồn gốc từ bà Lan, nên không chấp nhận yêu cầu của bị cáo, tiếp tục kê biên (tài sản này chỉ được phép trùng tu không được phép thay đổi hiện trạng).

Về số tiền mà các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, HĐXX tuyên chuyển cho SCB; buộc các bị cáo được bà Lan cho, thưởng phải nộp lại tiền, đồ vật, cổ phiếu... để đảm bảo nghĩa vụ của bà Lan; tiếp tục kê biên, tạm giữ các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu, hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, những người liên quan khác, để đảm bảo thi hành án...

Nằm bên bờ sông Sài Gòn, tòa nhà Saigon One Tower (màu hồng) là một trong hàng nghìn bất động sản của Vạn Thịnh Phát đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Ảnh: Quỳnh Trần

Nằm bên bờ sông Sài Gòn, tòa nhà Saigon One Tower (màu hồng) là một trong hàng nghìn bất động sản của Vạn Thịnh Phát đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Ảnh: Thanh Tùng

Đối với 4,8 triệu USD mà Đỗ Thị Nhàn đã nộp, tòa tuyên tịch thu; đồng thời buộc bị cáo phải nộp thêm số tiền Việt Nam đồng tương đương 400.000 USD để sung ngân sách; buộc bị cáo Nhàn nộp phạt 100 triệu đồng (hình phạt bổ sung).

Bản án cũng xác định, với các tài sản, khoản tiền để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Lan trong toàn bộ vụ án (bao gồm vụ án này và các vụ án của giai đoạn hai) sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu (khoảng hơn 30.000 người dân).

HĐXX đề nghị C03, VKSND Tối cao trong quá trình điều tra giai đoạn hai của vụ án cần tiếp tục làm rõ các tài sản của 5 bị cáo đang trốn truy nã, và bản chất của các giao dịch liên quan đến bà Lan, để thu hồi khắc phục hậu quả của vụ án.

Biệt thự cổ rộng gần 3.000 m2, được bà Trương Mỹ Lan mua lại với giá 700 tỷ đồng, nằm ở ba góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu (quận 3). Ảnh: Quỳnh Trần

Biệt thự cổ rộng gần 3.000 m2, được bà Trương Mỹ Lan mua lại với giá 700 tỷ đồng, nằm ở ba góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu (quận 3). Ảnh: Quỳnh Trần

Những tài sản bị kê biên

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan và nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó có 14,5 triệu USD bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng - một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ gần 70% vốn điều lệ....

Các cơ quan tố tụng cũng phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ - tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Lan đã bị kê biên, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan tới thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu; 857 triệu cổ phần của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô...

Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ thêm từ các bị cáo gần 55,5 tỷ đồng và quá trình xét xử các bị cáo đã nộp thêm 73 tỷ đồng.

Hải Duyên/vnexpress.vn