Nghiên cứu - Trao đổi

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 52.000 tỷ đồng

- Kiến nghị xử lý tài chính hơn 52.000 tỷ đồng; Tình trạng "tự xử" kiểu xã hội đen tăng; Công an Hà Nội lắp camera quét mã QR tại 67 chốt cửa ngõ; Taliban khôi phục hàng loạt hình phạt tàn khốc,... là một số tin trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (14/9).

Tăng cường công khai minh bạch hoạt động kiểm toán

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Trần Sỹ Thanh cho biết, đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.

Toàn Ngành đã triển khai 144/211 đoàn kiểm toán, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn).

 Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo (Ảnh: Quang Hải)

Ngoài ra, đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác.

Theo người đứng đầu KTNN, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều đơn vị không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến. Trong 04 tháng còn lại của năm 2021, KTNN sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2022 theo Luật.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, hoạt động kiểm toán cần toàn diện hơn, có trọng tâm trọng điểm, trách nhiệm và quyết liệt hơn. Với những vấn đề phát hiện qua kiểm toán, KTNN cần mạnh dạn chấn chỉnh; bám sát quy định của pháp luật và thực hiện theo đúng quy định của Luật, nơi nào không chấp hành thì cần có giải pháp, đồng thời cần tăng cường công khai minh bạch hoạt động kiểm toán.

Tình trạng "tự xử" kiểu xã hội đen tăng

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu thực tế, hiện có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ...

Tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/9, nêu ý kiến về việc quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, nhất là những phim có vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh, hải đảo, trẻ em, tôn giáo, dân tộc.

Poster phim "Người phán xử"  

Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Ông Tới nêu dẫn chứng phân tích: "Mới đây, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, "phán xử" cả lực lượng công an".

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu khó khăn trong việc kiểm soát các nội dung phim trên không gian mạng theo dạng tiền kiểm. Bộ trưởng cho biết, giải pháp dự kiến là quy định nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm.

Công an Hà Nội lắp camera quét mã QR tại 23 chốt cửa ngõ

Từ ngày 14/9, camera ở 67 chốt do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) phối hợp cùng Công an Hà Nội lắp đặt bắt đầu hoạt động. Trước đây công dân đã khai báo y tế khi đi qua chốt phải đưa QR Code để cán bộ kiểm soát quét mã bằng điện thoại nên gây ra ùn ứ, dễ lây nhiễm chéo COVID-19.

Người dân đi qua 67 chốt cửa ngõ vào Hà Nội sẽ đưa điện thoại có hình ảnh mã QR vào trước camera đặt sẵn để công an quét thông tin.

 Người dân quét mã QR ở chốt Pháp Vân sáng 14/9 (Ảnh: Nguyễn Hiếu)

Theo đại diện C06, camera có dây nối kéo dài với máy tính và đặt cố định nên giữ được khoảng cách, từ đó hạn chế tiếp xúc gần. Khoảng cách giữa camera với người quét QR tối đa 30 cm. Người dân cũng có thể đưa tài liệu lên trước camera để cán bộ chốt kiểm tra khi có yêu cầu. Mỗi lần quét 2-5 giây.

Hệ thống này vận hành trên nền tảng ứng dụng của C06 tại webiste: kiemdich.dancuquocgia.gov.vn. Sau khi quét, máy sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân.

Để qua chốt nhanh, công dân được khuyến cáo cài phần mềm VNEID và khai báo tại nhà trước để lấy sẵn một mã QR; khi ra đường vẫn cần mang đủ các giấy tờ theo quy định.

Trước đó, C06 phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh lắp 100 camera quét mã QR.

Taliban khôi phục hàng loạt hình phạt tàn khốc

Giới chức Taliban cho biết, họ sẽ tái lập Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại, vốn bị bãi bỏ từ đầu thập niên 2000.

Theo Mohammad Yousuf, một thành viên Taliban phụ trách “khu vực trung tâm” Afghanistan: “Mục đích chính là phục vụ đạo Hồi. Do vậy, bắt buộc phải có Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại. Chúng tôi sẽ trừng phạt theo các quy tắc của đạo Hồi. Những gì đạo Hồi hướng dẫn chúng tôi, thì chúng tôi sẽ trừng phạt như thế”.

Những hành động bao gồm quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, giết người và trộm cắp được cho là “những tội lỗi lớn của đạo Hồi” sẽ chịu sự trừng phạt.

 Mohammad Yousuf (ngồi giữa) cùng các thành viên Taliban. Ảnh: Bưu điện New York

“Đạo Hồi có rất nhiều quy tắc dành cho những tội lỗi lớn. Chẳng hạn, giết một ai đó cũng có những điều luật quy định khác nhau. Nếu bạn biết một ai đó và cố ý sát hại người này, thì bạn sẽ bị xử tội chết. Nếu trong trường hợp vô ý giết người, thì bạn sẽ chịu hình phạt như trả một số tiền nhất định”, Yousuf nói.

Tòa án tối cao sẽ xem xét tất cả những vấn đề này. Nếu những kẻ phạm tội bị kết án, thì “chúng tôi sẽ thi hành hình phạt".

Dự kiến, Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại sắp tới sẽ hoạt động khác so với thời kỳ 1996 - 2001, do khi đó không có nhiều học giả Hồi giáo đưa ra quyết định về các quy tắc./.

PV (Tổng hợp)/dangcongsan.vn