Nghiên cứu - Trao đổi

Triển khai Luật Giá kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả

- Luật Giá năm 2023 đã được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 19/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Cồng TTĐT Quốc hội)
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Cồng TTĐT Quốc hội)

 

Luật được kỳ vọng sẽ tăng cường quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
 
Để hiểu rõ hơn về những nội dung của Luật, quá trình triển khai cũng như những tác động của Luật đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lã Tiến Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài chính Yên Bái về vấn đề này.
 
P.VXin đồng chí cho biết những điểm mới của Luật Giá năm 2023 so với năm 2012?
 
Đồng chí Lã Tiến Ngọc: Luật Giá 2023 bao gồm 8 chương, 75 điều, so với Luật Giá 2012 có những điểm mới cơ bản như: về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. 
 
Đồng chí Lã Tiến Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài chính Yên Bái 
 
Đối với các biện pháp bình ổn giá, về cơ bản tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành khi quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Luật và trường hợp có điều chỉnh sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Riêng đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn. Luật Giá 2023 cũng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá theo từng nhóm đối tượng cụ thể; so với nhóm đối tượng quy định tại Luật năm 2012, Luật Giá 2023 đã bổ sung thêm 2 nhóm hành vi bị nghiêm cấm của đối tượng là hội đồng thẩm định giá và thành viên hội đồng thẩm định giá. 
 
Bên cạnh đó, Luật Giá 2023 đã bổ sung tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. 
 
Luật Giá 2023 cũng giới thiệu một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh: Đề xuất với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Ngoài ra, Luật Giá 2023 cũng có những quy định cụ thể về kê khai giá, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như giới thiệu một số nguyên tắc thanh tra, kiểm tra. 
 
P.VViệc triển khai Luật Giá mới sẽ tác động và mang lại thay đổi như thế nào trong hoạt động thẩm định giá cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thưa đồng chí ?
 
Đồng chí Lã Tiến Ngọc: Luật Giá 2023 có hiệu lực sẽ tác động và mang lại thay đổi lớn trong hoạt động thẩm định giá, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá, nổi bật là chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo từng lĩnh vực, điều chỉnh điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá và điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tại doanh nghiệp. 
 
Cùng các quy định khác đang được nghiên cứu sửa đổi, hành lang pháp lý trong hoạt động thẩm định giá sẽ dần hoàn thiện hơn, giúp hoạt động thẩm định giá phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả đúng giá trị thị trường góp phần giảm thiểu sai sót trong quá trình thẩm định giá, làm lành mạnh hóa thị trường, minh bạch thị trường, tránh các rủi ro và lãng phí trong đầu tư. 
 
Ngoài ra, Luật Giá mới đã hoàn thiện các quy định theo nguyên tắc tăng cường phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện thẩm định giá Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao. Khi các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật, đồng thời đảm bảo được chất lượng, tính đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
 
P.V: Thưa đồng chí, để chuẩn bị cho việc triển khai thi hành Luật Giá năm 2023 từ ngày 1/7/2024, ngành đã có sự chuẩn bị và triển khai những giải pháp nào?
 
Đồng chí Lã Tiến Ngọc: Căn cứ kết quả rà soát văn bản, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý giá trên địa bàn tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế công tác quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá tại địa phương; quyết định, phân công nhiệm vụ đối với các cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các quy định có liên quan khác tại Luật Giá cũng như các luật khác có liên quan.
 
Ngoài ra, Sở tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động để đáp ứng yêu cầu khi tham gia Hội đồng thẩm định giá; rà soát củng cố kiện toàn và chuẩn bị các điều kiện cho việc đảm bảo thực hiện tốt quy định về công khai thông tin về giá. Trong thời gian tới, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu về giá của tỉnh nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, cập nhật, công khai thông tin về giá theo quy định hiện hành và quy định tại Luật Giá, đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu giá quốc gia về giá sau khi Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng và vận hành.
 
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí ! 
 
Hùng Cường (thực hiện)/baoyenbai.com.vn