Công tác nội chính

Quốc hội sắp họp bất thường kiện toàn nhân sự sau sắp xếp bộ máy

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến công tác nhân sự trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.

"Đây là công việc hết sức quan trọng vì chỉ còn một tuần nữa kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra", ông Mẫn nói tại khai mạc phiên họp của Thường vụ Quốc hội sáng 5/2.

Ông cho biết đến ngày 10/2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường vụ Đảng ủy Đảng bộ Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến công tác nhân sự.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra từ 12 đến 18/2. Một trong số các nội dung Quốc hội sẽ quyết định là thông qua cơ cấu, tổ chức bộ máy, số lượng thành viên Chính phủ khóa 15, sau đó phê chuẩn bổ nhiệm thành viên theo đề nghị của Thủ tướng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp bất thường của Quốc hội sắp tới, ông đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ và đóng góp ý kiến với các vấn đề lớn, nội dung còn băn khoăn trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết.

"Tinh thần phải chấp hành nghị quyết về sắp xếp bộ máy, giải quyết vướng mắc và động viên anh em an tâm tư tưởng. Cán bộ cần bắt tay vào công việc ngay sau khi sắp xếp, không để ngưng trệ, ách tắc", Chủ tịch Quốc hội nói.

Trình Thường vụ Quốc hội cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ

Sau khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Nội dung này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường giữa tháng 2.

Theo đề xuất, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 4 bộ và một cơ quan ngang bộ. Đó là các Bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Dân tộc và Tôn giáo.

Ba cơ quan ngang bộ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Trà cho biết sau khi Quốc hội xem xét nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa 15, Chính phủ sẽ sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, đảm bảo rõ thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng và các phó thủ tướng, cơ quan ngang bộ.

Hiện Bộ Nội vụ đã chuẩn bị ba dự thảo nghị định khung quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện. Ba nghị định này chuẩn bị song song với dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu, tổ chức Chính phủ để triển khai kịp thời Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, sau khi Quốc hội thông qua.

"Chính phủ đề xuất các nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3. Khâu chuẩn bị liên quan đến các bộ mới đã sẵn sàng, chỉ cần Quốc hội bấm nút là Thủ tướng sẽ ký nghị định để vận hành cơ cấu tổ chức của Chính phủ mới", bà Trà nói.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành phương án cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên của Chính phủ theo tờ trình. Tuy nhiên, một số thành viên đề nghị có thời gian chuyển tiếp kể từ khi Nghị quyết này có hiệu lực để các Bộ, cơ quan ngang Bộ sau sắp xếp có thời gian chuẩn bị.

Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét 7 nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Đó là: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Các Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16; Nghị quyết giải quyết các vấn đề phát sinh trong quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Một số nội dung cấp bách sẽ trình Quốc hội, gồm: Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu đạt tăng trưởng 8%; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; chính sách đặc thù để triển khai nhanh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn với một số trạm BOT; vấn đề khổ đường ray của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Sơn Hà/vnexpress.net