Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC phải là tấm gương về giữ gìn đạo đức, lối sống

- Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa có ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy từng đồng chí trong Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, phải là những tấm gương về giữ gìn đạo đức, lối sống.

- Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa có ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy từng đồng chí trong Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, phải là những tấm gương về giữ gìn đạo đức, lối sống.
 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa chủ trì phiên họp. (Ảnh: Minh Hiếu) 

Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tại phiên họp thứ nhất diễn ra chiều ngày 26/7.

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, xây dựng tập thể đoàn kết, phối hợp công tác với nhau nhịp nhàng. Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng thì từng đồng chí trong Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực; phải là những tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản nào.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, các cá nhân, đơn vị liên quan tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là nội dung phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp, các ngành, địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là những trọng tâm lãnh đạo, lấy kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Coi đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy, lấy kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm một trong những cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, không lãng phí, không tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…

Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Tại phiên họp thứ nhất, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, thống nhất thông qua dự thảo Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; công tác kiểm tra, giám sát và chương trình công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng cuối năm 2022.

 
PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn