Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

'Thiếu minh bạch khi bỏ thời hạn công khai kết luận thanh tra'

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường lo ngại kết luận thanh tra có thể bị chỉnh sửa nếu không còn quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra.

Sáng 7/9, cho ý kiến vào dự án luật Thanh tra (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ông Cường nói Luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn 10 ngày phải công khai kết luận này. Đây là yêu cầu minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức thanh tra nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, dự thảo luật tại Điều 75 đã bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan như trước khi công khai kết luận có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra (Điều 74); nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai (Điều 9)

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, luật hiện hành chỉ cấm tiết lộ thông tin khi chưa có kết luận chính thức. Việc sửa đổi như trên có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan thanh tra nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra. Quy định tại Điều 4 dự thảo còn ngược với quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng về minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn cho các đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra.

Sự thay đổi nêu trên theo ông Cường có thể giúp các cơ quan nhà nước trì hoãn việc công khai, khó xác định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra vì kết luận này có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai. "Về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành, tuy nhiên nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành mà không vi phạm điều cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai?", ông phân tích.

Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn nhất định như 10 hoặc 15 ngày phải công khai. Quy định như vậy sẽ tránh được sự can thiệp, tác động làm thay đổi kết luận thanh tra sau khi đã được ký.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Không đồng tình bỏ thanh tra cấp huyện

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng không đồng tình bỏ thanh tra cấp huyện. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng duy trì Thanh tra huyện là cần thiết, bảo đảm chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp. Thực tế, cơ quan này không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Dù Thanh tra huyện còn những bất cập trong tổ chức và hoạt động, ông Tùng cho rằng không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được bố trí đủ nguồn lực. "Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển", ông Tùng nói.

Do đó, đại diện Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là giữ Thanh tra huyện; đồng thời Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua. Từ đó, kiện toàn tổ chức, biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đồng tình giữ thanh tra cấp huyện để bảo đảm đúng nguyên tắc "ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra". Thực tế, việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp ngay từ cơ sở là cần thiết, tránh gây áp lực cho Thanh tra tỉnh. Ông Thắng đề nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn lực về con người, sớm kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra huyện.

Hồi tháng 4, khi dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi) giữ nguyên ba cấp thanh tra hành chính gồm Chính phủ, tỉnh và huyện, chỉ thiểu số thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý, còn đa số đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Dự thảo Luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 khai mạc tháng 10.

Sơn Hà/vnexpress.net