Kinh tế - Chính trị

Thường vụ Quốc hội: Tăng thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, tái cơ cấu thị trường xổ số

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm; từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Article thumbnail

Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Ngày 10/4, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 1035 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Nghị quyết này do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ ban hành.

Tại nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, cũng như trách nhiệm giải trình, làm rõ vấn đề và các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Ngoại giao tại phiên chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Với lĩnh vực tài chính, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.

Đi cùng là công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm.

“Không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, nghị quyết nêu rõ.

Báo cáo của Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn cho biết, đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm phát triển nhanh. Bên cạnh kênh đại lý truyền thống, thị trường còn có kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance), tạo ra sự phức tạp hơn, cần chấn chỉnh để thị trường hoạt động “đúng hướng, lành mạnh”.

Qua thanh tra, kiểm tra 10 trong 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng trong năm 2023, Bộ Tài chính phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị xử lý về tài chính 21.000 tỷ đồng.

Năm nay, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam (Cathay life).

Chậm nhất 2025 phải sửa xong nghị định về đặt cược bóng đá quốc tế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập; hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng.

Chậm nhất là năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, theo nghị quyết.

Từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, là yêu cầu nữa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng, theo cơ quan thường trực của Quốc hội, phải dùng để “đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước có 64 doanh nghiệp Nhà nước đang kinh doanh xổ số.

Năm 2023, doanh thu hoạt động kinh doanh xổ số đạt 153.037 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, khoảng 50% doanh thu dùng để trả thưởng, nộp ngân sách 45.016 tỷ đồng.

Toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế…

Bộ Tài chính cho hay, thị phần xổ số truyền thông phát triển không đồng đều giữa các khu vực, khi miền Nam chiếm đến hơn 93% thị trường xổ số cả nước.

Ngoài ra, gần đây có tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự để kinh doanh, phân phối vé xổ số qua ứng dụng điện tử, internet, các trung gian thanh toán...; một số đại lý xổ số ép không cho người bán vé dạo trả lại vé ế.

Cân đối cung cầu hàng thiết yếu, không để tăng giá đột biến

Vẫn trong lĩnh vực tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, chủ động phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra.

Các mặt thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải... phải có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu.

“Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai bảo hộ công dân

Với lĩnh vực ngoại giao, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Kịp thời cảnh báo các rủi ro, các rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại để kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp; hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

“Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”, nghị quyết nêu.

Chủ động đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở có đi có lại, cũng là nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng lưu ý phải triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai việc bảo hộ công dân.

Ngoài ra, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng, thu hút nhân tài. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn