Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng gần 41%, đã khởi tố 1.211 bị can

- Trong năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng gần 41%, trong đó đã khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Đ.X

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 gửi Quốc hội.

Một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo là tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

 “Công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, trong đó phát hiện, xử lý một số vụ án trong lĩnh vực có chuyên môn sâu như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... góp phần cảnh tỉnh, răn đe tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, báo cáo nêu.

Nổi lên sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%; 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97% (khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can).

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Báo cáo dẫn chứng vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần cũng là vấn đề “nổi lên”.

Điển hình là vụ Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can. Hay vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC…

Tội phạm liên quan đến xăng dầu phức tạp ở nhiều địa phương

Cạnh đó, là tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách Nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế...

Buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi...

Trong các vụ liên quan đến dịch Covid-19, báo cáo viện dẫn nhiều vụ án, trong đó có vụ “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực và các đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Chính phủ...

Đáng chú ý, theo báo cáo, “có sự chuyển hướng rõ rệt của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống qua đường mòn, lối mở sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động; tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương”.

Xử nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ

Chính phủ dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng...

Loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Chính phủ đề ra để thực hiện trong năm 2023. Trong đó, sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu…

Tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật.

“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức”, báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội nêu rõ.

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp 4 (khai mạc vào ngày 20/10), Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo tư pháp, trong đó có báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Điều tra viên có vi phạm đến mức xử hình sự chỉ cá biệt

Trong năm 2022, công tác tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Số điều tra viên cả nước hiện có 13.644, tăng 6,69%; trong đó có 917 điều tra viên cao cấp (tăng 2,69%), 7.086 điều tra viên trung cấp (tăng 6,52%), 5.641 điều tra viên sơ cấp (tăng 10,18%).

Báo cáo khẳng định, đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra đều được đào tạo cơ bản, bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, có bản lĩnh chính trị…

Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng thiếu điều tra viên, vẫn còn một số ít điều tra viên trình độ, năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm; cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức phải xử lý hình sự. 

Triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại

Theo báo cáo của Chính phủ, phạm tội về trật tự xã hội đã phát hiện, khám phá được 35.438 vụ, đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đặc biệt, đã triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú, thanh loại 5.829 đối tượng truy nã (có 1.354 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...).

“Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm”, báo cáo nêu như số vụ phạm tội có tổ chức giảm 29,07%; hiếp dâm giảm 10,85%, xâm hại trẻ em giảm 23,63%...

Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là tội phạm giết người tăng 13,17%.

Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản, hỗ trợ tài chính, vay tiền qua ứng dụng trên các nền tảng điện thoại di động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Tội phạm mua, bán người (tăng 10,26%) có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới, nhất là lừa bán người sang Campuchia lao động cưỡng bức.

Tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) tuy giảm về số vụ nhưng tính chất còn nghiêm trọng, trong đó có 15 vụ cướp chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng như các vụ cướp chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Thái Nguyên, Thanh Hóa..

Ngoài ra, tội phạm chống người thi hành công vụ, chống lực lượng công an khi thi hành công vụ tuy giảm mạnh về số vụ song hành vi của các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sử dụng hung khí hoặc phương tiện giao thông gây thương tích cho lực lượng thi hành công vụ…. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn