Nghiên cứu - Trao đổi

Triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg: Chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam"

Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bộ đã có những bước chuẩn bị tích cực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ này.

Ba sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì và phối hợp tổ chức ba sự kiện, hoạt động lớn nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023).

Đó là Hội thảo khoa học “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển” dự kiến diễn ra ngày 28/2; chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm dự kiến diễn ra tối 28/2; sản xuất và chiếu phim tài liệu “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.

Trong đó, Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển” sẽ là diễn đàn để nhà quản lý, nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật, các tầng lớp nhân dân cùng nhìn lại, hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Các nội dung chính của hội thảo gồm: Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam nhằm nhận diện, làm rõ các giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; phân tích quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương trong tiến trình lịch sử. “Dân tộc, đại chúng, khoa học - Động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững”, nội dung này tập trung phân tích và làm rõ các yêu cầu phát triển văn hóa theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay…

Triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg: Chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam"
Ảnh minh họa/Dangcongsan.vn

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là một chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa rất đặc biệt. Vẫn là những giai điệu quen thuộc với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng nhưng thông qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp, ý nghĩa mà các văn nghệ sĩ, ê kíp làm chương trình gửi gắm.

Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng kịch bản và sản xuất phim tài liệu “Văn hóa soi đường quốc dân đi” kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023). Bộ phim đề cập đến Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong chặng đường 80 năm qua, khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc; đề cương văn hóa Việt Nam và các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa; nêu cao truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc…; đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Phim cũng nhìn lại nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc. Bên cạnh đó, phim thể hiện quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ về công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan vừa tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, toàn ngành cần phải bằng tất cả sức mạnh tổng hợp để tạo nên những dấu ấn quan trọng, đặc biệt cần chú trọng công tác truyền thông, tạo sức lan tỏa trước, trong và sau các sự kiện, hoạt động nhân dịp kỷ niệm trọng đại này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sau 8 thập kỷ, những ý nghĩa, định hướng, nguyên tắc đặt ra trong bản Đề cương cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị. Các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 80 năm có tầm quan trọng đặc biệt, cần được chuẩn bị và tổ chức chu đáo, bài bản, có chất lượng và chiều sâu. Nhân dịp này, nhiều hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra rộng khắp trên cả nước, gắn với đó là nhìn lại, đánh giá kết quả một năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; từ đó, làm sâu sắc hơn ba nội hàm của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là tính dân tộc, khoa học và đại chúng…

Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa

Theo Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010): Để chống lại chính sách văn hoá phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc,... năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương về văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2-1943.

Bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp; nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa – tư tưởng. Đề cương xác định, văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa). Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá.

"Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đề cương là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân.

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Với tính chất là một bản “đề cương” ngắn gọn, ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua 80 năm nhưng những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong Đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

Đề cương nêu lên ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; gạt ra khỏi đầu óc con người những thành kiến, hủ bại, mê tín, dị đoan...

Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc, loài người tạo ra.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng khẳng định: Ba nguyên tắc ngắn gọn, súc tích, vừa đề cập đến hiện trạng nền văn hóa dân tộc, vừa chỉ ra đường hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa được xây dựng từ sức sáng tạo bền bỉ của nhân dân; nền văn hóa thuộc về nhân dân, do nhân dân là chủ thể sáng tạo, trao truyền và gìn giữ, phát huy. Nền văn hóa đó phải bám rễ vào cội nguồn lịch sử; không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, giàu đẹp…

TTXVN/qdnd.vn