Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

“Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp tục, không bao giờ dừng”

“Trong cuộc chiến chống tham nhũng đừng tuyệt đối hoá, chúng ta vẫn còn tiếp tục, không bao giờ dừng cả. Ta cố gắng hạn chế bằng những yếu tố như tính minh bạch, giám sát của người dân và ứng dụng công nghệ”- Nhà Sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Thanh tra.

Nhà Sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: TN

Thời nào cũng vậy, chống tham nhũng cực kỳ khó

+ Là Nhà Sử học, đại biểu Quốc hội 4 khoá (XI, XII, XIII, XIV), ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng?

- Ông Dương Trung Quốc: Phải nói rằng, ở bất kỳ xứ sở nào đều phải PCTN. Từ xa xưa, ông cha ta cũng vậy. Tôi nhớ thế kỷ 19, ông quan Đặng Huy Trứ, khi cuối đời đã ngẫm nghĩ “làm quan cái khó nhất là ứng xử nhận hay không nhận” và viết pho sách rất dày quy lại 108 hiện tượng mà bản chất là hối lộ.

Ông Đặng Huy Trứ chỉ đưa ra 5 điều có thể nhận được vì không hoàn toàn vụ lợi như quà trò tặng thầy… Viết xong rồi, ông quan ấy cũng chỉ để răn dạy con cháu trong nhà thôi, không đưa ra xã hội được.  

Trở lại chế độ chúng ta, ngày hôm trước Cụ Hồ ký sắc lệnh thành lập chính quyền nhân dân thì ngày hôm sau ký 2 văn bản thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt và Toà án Đặc biệt.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chúng ta hay nhắc đến vụ án Trần Dụ Châu - một cán bộ cao cấp, người cũng có năng lực, cống hiến, nhưng cậy quyền, cậy thế, tham ô mà bị xử án tử  hình.

Nhắc lại những câu chuyện đó để thấy thời nào cũng phải PCTN và đây là vấn đề cực kỳ khó.

Trong một bài báo viết về vấn đề này, tôi đã nêu “đây là trận đánh cuối cùng” vì nếu không thắng thì Đảng sẽ mất đi vị trí cách mạng, phẩm chất chính trị và vai trò lịch sử của mình.

Cũng phải thẳng thắn nói rằng, trong cơ chế của ta, muốn tham nhũng thì phải là người có chức quyền và muốn có chức quyền phải là đảng viên. Tất nhiên, không phải người có chức quyền nào cũng xấu xa, nhưng phải khoanh được những ai có khả năng tham nhũng để “tiêu diệt” như chống dịch vậy.

Vấn đề đặt ra là có quyết tâm chữa bệnh, cắt bỏ 1 phần, đánh vào đồng chí của mình, thậm chí đánh vào chính thói hư, tật xấu của bản thân mình hay không.

Đến thời điểm này, cuộc PCTN đã có những thành công vì chúng ta nhận thức được điều đó và đi đúng nguyên lý ấy.

“Bài học lớn nhất chúng ta thu được trong năm 2020 cũng như trong nhiệm kỳ vừa qua chính là lòng dân. Lòng dân được củng cố đó là nền tảng của tất cả mọi thành công, để đạt những thành tựu mới cũng như vượt qua những thử thách mới.

Tôi rất mong từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chúng ta có được bộ máy lãnh đạo luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tinh thần truyền thống của cha ông để góp phần cho đất nước phát triển.

Phải nói, qua thử thách khó khăn vừa qua, kể cả yếu tố có tính toàn cầu như đại dịch COVID-19, chúng ta càng nhận ra những giá trị mà mình đã có, cần phải được củng cố và phát huy, đó là tinh thần đoàn kết một lòng” - Nhà Sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Tôi vẫn nói, bất kỳ hiện tượng gì phải nhớ đến ứng xử của ông cha ta là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải xem lại mình, soi xem mình có lỗi gì, có yếu gì không.

Người lãnh đạo càng làm được điều đó thì càng nêu cao tính gương mẫu, càng tăng thêm uy tín của Đảng. Chưa kể, nội bộ Đảng từ thực tiễn ấy mà dần đi đến sự nhất trí về phẩm chất của mình, không ngộ nhận quyền lực.

Đảng phải tập hợp những người có khả năng làm giàu cho đất nước

+ Để giữ được mình không phạm phải những cám dỗ đời thường, không hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực là chuyện không phải dễ?

- Ông Dương Trung Quốc: Đương nhiên không dễ dàng! Chính vì không dễ dàng nên mới có cuộc vận động và đấu tranh. Kèm theo đó, phải hết sức công bằng trong đánh giá cán bộ, giữa năng lực và hưởng thụ.

Những người làm tốt, nhất là các nhà lãnh đạo ở vị trí quan trọng chắc chắn đóng góp nhiều, vai trò lớn đối với sự phát triển của đất nước thì phải được hưởng thụ nhiều quyền lợi chính đáng, vì không có quyền lợi chính đáng mới có quyền lợi không chính đáng.

Cho nên, phải có chế độ, chính sách như thế nào để những cán bộ tốt, nhà lãnh đạo giỏi yên tâm cống hiến.

Tôi nghĩ, Đảng phải tập hợp những người có khả năng làm giàu cho đất nước, và trước hết họ phải làm giàu cho chính mình một cách chính đáng hay được hưởng lợi từ sự đóng góp cho đất nước. Tinh thần xả thân có thể có, nhưng mục tiêu xả thân như trước đây không còn hợp lý trong giai đoạn này nữa.

+ Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, đã có hàng nghìn đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, trong đó có hơn trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ông suy nghĩ gì về điều này?

- Ông Dương Trung Quốc: Nói PCTN về lý thuyết thì dễ, nhưng đây là cuộc đấu tranh nội bộ rất phức tạp để thay đổi, hạn chế dần. Bởi tham nhũng thiên biến vạn hoá cùng với cuộc sống.

Như tôi đã nói, chúng ta đã có những thành công trong PCTN và cũng mới gọi là thành công bước đầu thôi. Nên trong cuộc chiến này đừng tuyệt đối hoá, chúng ta vẫn còn tiếp tục, không bao giờ dừng cả. Ta cố gắng hạn chế bằng những yếu tố như tính minh bạch, giám sát của người dân và ứng dụng công nghệ.

Tôi từng phát biểu là mong muốn đến ngày nào đó, “lò chống tham nhũng” sẽ nguội đi, tức là không còn tham nhũng nữa. Nhưng để đến lúc đó thì “lò chống tham nhũng” phải cháy liên tục và không biết bao giờ mới xong. Nói cách khác, cuộc đấu tranh PCTN không biết bao giờ mới hoàn toàn kết thúc.

+ Là một đại biểu Quốc hội có nhiều phát biểu gai góc, “nóng” liên quan đến chống tham nhũng, cán bộ, “tư duy nhiệm kỳ”... Có bao giờ ông bị sức ép không?

- Ông Dương Trung Quốc: Chưa bao giờ! Tôi từng nói thẳng với một lãnh đạo rằng: “Ai hỏi, tôi đều trả lời, không bao giờ im lặng cả, nhất là với phóng viên nước ngoài, vì im lặng còn là câu trả lời lớn hơn - một đại biểu Quốc hội mà không dám mở miệng. Còn tôi nói thì tôi chịu trách nhiệm và tôi đủ khôn ngoan để biết nói cái gì, không nói cái gì”. Lúc đó, ông ấy trả lời: “Bác Quốc cứ thoải mái”.

Đến thời điểm này, chưa ai phải “vỗ vai” nhắc nhở tôi cả.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: “Ai nói chống tham nhũng mạnh sẽ cản trở phát triển kinh tế là không đúng”

 Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: LTM
 

Bác Hồ đã ví tệ nạn tham nhũng như “giặc nội xâm”, nguy hiểm lắm. Đảng ta cũng xác định, tệ nạn tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ dẫn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Từ lâu rồi, Đảng ta rất quan tâm đến công tác PCTN. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh PCTNđược đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, từ đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trước đây, chúng ta nói “không có vùng cấm” và cũng đã làm được một số kết quả tốt. Nhưng bây giờ rõ ràng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, Đảng nói thế nào, chúng ta làm đúng như thế.

Còn ai nói chúng ta đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt sẽ cản trở phát triển kinh tế là hoàn toàn không đúng, thậm chí ai nói thế thì chính là ủng hộ tham nhũng.

Tôi có thể chứng minh chống tham nhũng mạnh mẽ đã góp phần rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế bằng những con số. Năm 2016, tăng trưởng GDP đạt 6,21%; 2017 là 6,81%; 2018 là 7,08%; 2019 cũng gần 6,8%; năm 2020, do đại dịch COVID-19, tăng trưởng đạt gần 3% nhưng là một trong rất ít nước có tăng trưởng dương.

Chúng ta đấu tranh quyết liệt với tham nhũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe những người định tham nhũng phải rút tay, không dám tham nhũng nữa. Qua chống tham nhũng, chúng ta phát hiện cơ chế, chính sách có gì bất cập, “lỗ hổng” để những người tham nhũng có thể lợi dụng thì kịp thời “bịt” lại. Hơn nữa, qua các vụ án tham nhũng, chúng ta đã thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt không hề nhỏ một chút nào, góp phần làm đầy “kho ngân sách” của chúng ta.

Cũng phải nói thêm rằng, làm thế nào vừa xiết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước, vừa phải khơi dậy, tạo môi trường, điều kiện để cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung là vấn đề mà Đảng ta đặt ra. Tại Đại hội XIII của Đảng lần này cũng bàn rất kỹ vấn đề này.

H.Giang (Ghi)

theo Hương Giang/thanhtra.com.vn