Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng

Cần có hành động biến khát vọng của cá nhân thành khát vọng của cả dân tộc

- Làm thế nào để chuyển khát vọng độc lập, tự do trong thời chiến thành khát vọng phồn vinh, hạnh phúc trong thời bình, biến Tổ quốc ta từ một “Việt Nam chiến tranh” thành một “Việt Nam hoà bình, thịnh vượng và hạnh phúc”. Cần phải làm gì, tập trung vào những vấn đề then chốt nào để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam?

 
 Hình ảnh tại Toạ đàm (Ảnh: Đặng Hiếu)

Đó là ý kiến của GS TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tại buổi Toạ đàm khoa học “Định hướng phát triển khoa học xã hội và nhân văn phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” diễn ra ngày 8/7 tại Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Tham dự Toạ đàm có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đồng chí GS TS Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.

Phát biểu tham luận, GS TS Phạm Quang Minh đặt vấn đề: Dân tộc Việt Nam luôn là một dân tộc giàu khát vọng, với ý chí kiên cường hướng tới mục tiêu: Độc lập, tự do, phồn vinh và hạnh phúc. Tháng 9/1945, trong bức Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên khi nước nhà vừa giành lại quyền độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Câu hỏi chính đặt ra là làm thế nào để khơi dậy khát vọng, giữ vững, bồi đắp và quan trọng hơn là hiện thực hoá khát vọng? Có phải Việt Nam đã có khát vọng, tiềm ẩn ở đâu đó, bây giờ chỉ cần “khơi dậy”, “khơi thông”, “đánh thức” là Việt Nam có được phồn vinh, hạnh phúc?

Làm thế nào để khơi dậy và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam? Theo GS TS Phạm Quang Minh, cần thống nhất phương châm và quan điểm là cần có hành động biến khát vọng của cá nhân thành khát vọng của cả dân tộc; phát triển bền vững dựa trên nền móng văn hoá - giáo dục với 3 trụ cột: xã hội - kinh tế - môi trường. Theo đó, cần xác định những nội dung cần đầu tư, đó là: Về chính trị: xây dựng lòng tin và sự đồng thuận thông qua tính minh bạch, tính giải trình và tính dự báo.

Về văn hoá - giáo dục: xây dựng mô hình giáo dục thực học, tư duy phê phán; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, xây dựng hệ thống biểu tượng, tầng lớp lãnh đạo và tinh hoa trong khơi dậy khát vọng truyền cảm hứng, chú ý cả những trường hợp chưa thành công.

Về kinh tế: khơi dậy được nguồn lực trong nước, trong đó có nguồn lực từ mỗi người dân và hội tụ lại bằng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Về đối ngoại: tiên phong, chủ động, tích cực, đa phương hoá, đa dạng hoá; khơi dậy nguồn lực bên ngoài, bao gồm quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với thế hệ trẻ và khát vọng, GS TS Phạm Quang Minh cho rằng, các chính sách hiện tại của Chính phủ dường như mới chỉ quan tâm đến việc bảo đảm giới trẻ “được học hành”, “được đến trường”, nhưng trong tương lai cần chú trọng đến việc hình thành giáo dục khát vọng lớn và như vậy không chỉ giới hạn trong trường học mà phải cả trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ họ được tham gia và làm chủ các hoạt động tích cực và văn hoá ngoài trường học, phát triển tài năng của họ, trở thành những công dân tích cực.

Bàn về vấn đề phát triển công nghiệp công nghiệp văn hoá Việt Nam để khai thác, phát huy tài nguyên văn hoá Việt Nam, GS TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Về cơ bản, đây là sự vận dụng quan điểm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vào điều kiện Việt Nam. Do vậy, đã đến lúc xem lại, tổng kết và đề xuất Chiến lược mới phù hợp hơn. Vì bên cạnh những thành tựu phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam, cần nhấn mạnh 3 vấn đề: công nghiệp văn hoá Việt Nam còn đang trong trạng thái manh nha, nhiều lệch lạc, chưa hiệu quả; Việt Nam đang bị xâm thực văn hoá; quảng bá Việt Nam ở nước ngoài kém, văn hoá chưa thực sự trở thành một nhân tố then chốt cấu thành của năng lực cạnh tranh quốc gia.

GS TS Phạm Hồng Tung cũng cho rằng, cần chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược vào nhóm giải pháp đối với nghiên cứu; nhóm cơ chế - chính sách; nhóm doanh nghiệp - thị trường; và nhóm bảo đảm phúc lợi văn hoá của người dân…

Cũng tại Toạ đàm, PGS TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận về chủ đề phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam để khai thác, phát huy tài nguyên văn hoá Việt Nam./.

Đặng Hiếu/dangcongsan.vn