Công tác nội chính

Vụ Công ty Trung Hậu 68: Đề nghị truy tố nhiều cựu cán bộ tỉnh An Giang

- Vụ Công ty Trung Hậu 68: Đề nghị truy tố nhiều cựu cán bộ tỉnh An Giang; khiển trách nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện; Liên Hợp quốc cảnh báo nạn buôn người tăng mạnh trở lại…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 11/12.

Vụ Công ty Trung Hậu 68: Đề nghị truy tố nhiều cựu cán bộ tỉnh An Giang
 Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) về ba tội gồm: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Rửa tiền”.

Bị can Nguyễn Thanh Bình (cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị can Trần Anh Thư (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), Nguyễn Việt Trí (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 40 bị can khác.

Kết luận điều tra xác định, với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bị can Nguyễn Thanh Bình chịu trách nhiệm chỉ đạo chung toàn diện mọi hoạt động của UBND tỉnh An Giang, trong đó có lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Đầu năm 2020, UBND tỉnh An Giang chuẩn bị cấp mỏ cát tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để cung cấp cho Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.

Biết việc này, Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 Lê Quang Bình đến gặp, đề nghị và được Nguyễn Thanh Bình, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Nguyễn Việt Trí, lúc đó là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Nguyễn Bảo Trung, lúc đó là Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cát trên.

Cơ quan điều tra xác định: Theo đề nghị của Lê Quang Bình, Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo Trần Anh Thư và Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khảo sát, thăm dò mỏ cát theo hình thức chỉ định không thông qua đấu giá.

Đồng thời, Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo Trần Anh Thư ký giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Trung Hậu 68 để cung cấp cát cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không đúng với chủ trương, mục tiêu ban đầu của dự án, tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được phép khai thác cát mà không phải trả lại mỏ cho UBND tỉnh An Giang.

Ngoài ra, mặc dù biết mỏ cát chỉ được khai thác cung cấp cho các dự án theo giấy phép khai thác và các quyết định của UBND tỉnh An Giang, không được phép bán cát ra ngoài thị trường, nhưng bị can Bình vẫn chỉ đạo người tổ chức cho nhân viên Công ty Trung Hậu 68 khai thác, hợp tác với các đơn vị, cá nhân liên quan, khai thác bán ra ngoài thị trường trái quy định pháp luật tổng khối lượng hơn 3 triệu m3 cát, thu lợi hơn 293 tỷ đồng. Hành vi này của bị can Bình được kết luận đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Đối với tội danh “Rửa tiền”, theo kết luận điều tra, để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của hơn 170 tỷ đồng do khai thác trái phép mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, từ tháng 10/2022 đến ngày 29/7/2023, bị can Bình chỉ đạo người nhận thanh toán tiền cát khai thác trái phép bằng tiền mặt hoặc mượn tài khoản cá nhân để nhận, chuyển khoản qua nhiều tài khoản ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc. Sau đó, bị can Bình sử dụng hơn 18 tỷ đồng để trả nợ; sử dụng gần 40 tỷ đồng phục vụ chi phí hoạt động khai thác tại mỏ cát; sử dụng gần 42 tỷ đồng phục vụ nhu cầu cá nhân; sử dụng hơn 47 tỷ đồng để đặt cọc mua 6 bất động sản và 8 xe ô tô.

Đối với hành vi “Nhận hối lộ”, cơ quan điều tra kết luận, Trần Anh Thư (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) đã nhận tiền từ Công ty Trung Hậu 68 để chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được phép khảo sát, thăm dò mỏ cát theo hình thức chỉ định không thông qua đấu giá. Bị can Thư cũng ký Giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Trung Hậu 68 để cung cấp cát cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không đúng với chủ trương, mục đích ban đầu của dự án. Ngoài ra, bị can Trần Anh Thư còn cho phép điều chỉnh công suất khai thác để Công ty Trung Hậu 68 cung cấp cát cho các công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên khi Công ty Trung Hậu 68 không đáp ứng tiêu chí về hợp đồng ký kết với các chủ thầu thi công, không đúng với tiêu chí của UBND tỉnh An Giang đã ban hành… Hành vi của bị can Trần Anh Thư đã giúp cho Công ty Trung Hậu 68 khai thác trái phép hơn 3 triệu m3 cát, gây thiệt hại tài sản nhà nước tổng số tiền hơn 293 tỷ đồng.

Đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, cơ quan điều tra xác định, bị can chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, toàn diện hoạt động của UBND tỉnh, trong đó có lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Bị can Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo bị can Trần Anh Thư, bị can Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khảo sát, thăm dò mỏ cát theo hình thức chỉ định không thông qua đấu giá; chỉ đạo cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp không đúng với chủ trương, mục tiêu ban đầu của dự án... Từ hành vi sai phạm trên, bị can Nguyễn Thanh Bình được bị can Lê Quang Bình cảm ơn 300.000 USD nhưng đã chủ động trả lại 250.000 USD. Số tiền còn lại 50.000 USD, bị can Nguyễn Thanh Bình tự nguyện nộp khắc phục khi làm việc với cơ quan điều tra.

Khiển trách nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam

 Quang cảnh Kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 9 đến ngày 11/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 52. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung. Trong đó, tiếp tục thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 45 đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Kỳ họp thứ 50 đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và một số tổ chức đảng, đảng viên có liên quan; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách ông Nguyễn Văn Huyện, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm tại Dự án Khu đô thị Đại Ninh và trong công tác cán bộ tại tỉnh Lâm Đồng,…

Liên Hợp quốc cảnh báo nạn buôn người tăng mạnh trở lại

Các em nhỏ tại một lớp học tạm ở thành phố Omdurman, Sudan. Ảnh: THX/TTXVN 

Văn phòng Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) ngày 11/12 công bố báo cáo cho thấy nạn buôn người trên toàn cầu đã tăng mạnh do tác động của xung đột, thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác trên toàn cầu.

Tổng hợp số liệu của năm 2022 - năm gần đây nhất có số liệu được công bố rộng rãi, báo cáo chỉ ra rằng số nạn nhân trên toàn thế giới là 69.627 người, tăng 25% so với mức trước đại dịch COVID-19 năm 2019. Trong đó, trẻ em chiếm 38% số nạn nhân, tăng so với mức 35% vào năm 2020. Phụ nữ trưởng thành tiếp tục là nhóm nạn nhân lớn nhất, chiếm 39%, trong khi nam giới chiếm 23%, trẻ em gái và trẻ em trai lần lượt là 22% và 16%.

Theo báo cáo, thủ phạm chính là những đường dây buôn người có tổ chức, trong đó, chúng thường dùng thủ đoạn và phương tiện công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi lừa đảo, dụ dỗ nhằm đưa nạn nhân ra nước ngoài để bóc lột và cưỡng bức lao động bao gồm cả việc ép buộc họ thực hiện các vụ lừa đảo và gian lận trực tuyến hoặc ép đi ăn xin. Ngoài ra, nạn buôn người để lạm dụng tình dục cũng đáng quan ngại khi có ít nhất 60% số phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán vì mục đích tình dục.

Đối với nam giới và trẻ em trai, lao động cưỡng bức là hình thức khai thác phổ biến nhất. Ngoài ra, trẻ em trai cũng là nạn nhân bị ép buộc thực hiện các hành vi tội phạm và ép ăn xin.

Khu vực Nam Sahara của châu Phi, Bắc Phi và Tây – Nam Âu ghi nhận sự gia tăng đáng kể số nạn nhân so với các khu vực khác. Số nạn nhân đến từ khu vực Nam Sahara của châu Phi chiếm phần lớn, với 26% tổng số nạn nhân. Ngoài những nguyên nhân như xung đột và biến đổi khí hậu, làn sóng di cư ồ ạt cũng làm gia tăng tuyến vận chuyển và mạng lưới đưa người di cư trái phép, theo đó làm tăng cả nạn buôn người./.

dangcongsan.vn